Kinh tế

Nhận quà ngàn tỷ, mẹ chồng Hà Tăng mạnh tay chi tiền

Doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP, bố mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà tiếp tục đổ thêm tiền vào lĩnh vực dịch vụ hàng không.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - vừa mua thành công hơn 3 triệu cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Cụ thể, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPGroup) do bà Lê Hồng Thủy Tiên làm tổng giám đốc vừa chi ra khoảng 80 tỷ đồng mua hơn 3 triệu cổ phiếu SAS và nâng tổng số cổ phiếu cổ phiếu SAS nắm giữ lên hơn 34,6 triệu đơn vị (gần 26%).

Nhóm công ty liên quan tới vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC hiện sở hữu tổng cộng khoảng 46% cổ phần của Sasco.

Cả bà Lê Hồng Thủy Tiên và chồng Jonathan Hạnh Nguyễn hiện đều nằm trong HĐQT của Sasco. Ông Hạnh Nguyễn là chủ tịch, trong khi đó bà Thủy Hiên là thành viên HĐQT không tham gia điều hành.

Cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà gần đây bất ngờ trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần cho vợ và con.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên và con trai Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Phi Long nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lần lượt 59%, 20% và 20%. Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng nắm 90% vốn.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hồi tháng 8, IPP Group đã tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng lên 3 ngàn tỷ đồng.

Đây là một tập đoàn ghi dấu ân của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.

Người đàn bà tỷ USD Lê Hồng Thủy Tiên hiện đang quản lý 25 công ty. Bà từng diễn viên, nữ tiếp viên hàng không nổi tiếng tại Việt Nam. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người khai sinh IPP Group từ năm 1986 tại Philippines. Trong khoảng 10 năm gần đây, việc lèo lái tập đoàn này thuộc về bà Thủy Tiên.

Các doanh nghiệp dịch vụ và hạ tầng hàng không thời gian gần đây thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư khi mà ngành hàng không liên tục phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều hãng bay trong và ngoài nước.

Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng giá mạnh trong vài năm gần đây. Từ mức giá hơn 10 ngàn đồng trong phiên IPO cuối năm 2015, ACV đã tăng lên 50 ngàn đồng hồi tháng 8/2017 và hiện đã ở mức giá cao kỷ lục mọi thời đại: 82.400 đồng/cp.

Cổ phiếu hàng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang ở mức giá cao kỷ lục: 120.500 đồng/cp.

Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lượng khách bay nội địa tăng 30% và khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay luôn tăng trưởng hai con số.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã chấm dứt chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp. Áp lực bán tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, kéo theo các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ quay đầu điều chỉnh.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Thị trường được dự báo có thể có những nhịp giảm điểm ngắn hạn để giải tỏa áp lực chốt lời trên toàn thị trường. Mặc dù vậy, theo CTCK BVSC khả năng giảm sốc của thị trường không được đánh giá cao, thay vào đó là nhịp điều chỉnh thoải với sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành.

Còn theo BSC, sự tham gia của các NĐT nước ngoài mới với quy mô lớn báo hiệu trước về sự cạnh tranh đón đầu tư của các quỹ và thể chế đầu tư nước trước cơ hội thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vốn lớn. Hoạt động đầu tư hiện tại được ví như vòng tròn khép kín được lấp đầy bởi NĐT khối ngoại hiện hữu sẽ được mở rộng đón NĐT ngoại mới và sẽ còn tạo ra những bất ngờ cho thị trường về cả điểm số và quy mô thị trường. Trong ngắn hạn, dòng tiền trở lại rõ rệt ở các nhóm cổ phiếu cơ bản giảm sâu và chuyển dịch vào nhóm cổ phiếu Midcap và LargeCap giúp cho cơ hội đầu tư nhiều hơn. Xu hướng tăng điểm mạnh, điểm dừng chân tại 895 điểm chỉ là nhịp nghỉ tạm thời trước khi VN-Index có thể hướng tới các đỉnh cao mới trong năm 2017.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, VN-index giảm 2,11 điểm xuống 890,69 điểm; HNX-Index tăng 0,02 điểm lên 108,31 điểm. Upcom-Index giảm 0,09 điểm xuống 52,98 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 6,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Tác giả: H. Tú

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP