Kinh tế

Nhãn lồng Hưng Yên 70.000 đồng/kg, giả mạo thương hiệu 30.000 đồng/kg

Hiện nay, giá thu mua tại vườn của nhãn lồng Hưng Yên đã vào khoảng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nhưng vì đang trong tuần lễ nhãn Hưng Yên 2017 nên các sản phẩm được bán với giá chỉ 42.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá thực tế hiện nay là khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu ở thị trường trong nước

Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên ra mắt lần đầu tiên tại Hà Nội, qua đó giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận trái nhãn lồng có thương hiệu, đóng gói với đầy đủ thông tin như chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, in logo với nhãn mác bắt mắt...

Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên 2017 tại Hà Nội

Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: 35 tấn nhãn lần này mang ra Hà Nội với mục đích quảng bá thương hiệu nhãn lồng VietGap, nhãn cổ Hương Chi, nhãn đường phèn,... tới người dân Hà Nội.

“Hiện nay, giá thu mua tại vườn của nhãn lồng Hưng Yên đã vào khoảng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nhưng vì đang trong tuần lễ nhãn Hưng Yên 2017 nên các sản phẩm được bán với giá chỉ 42.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá thực tế hiện nay là khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg”, ông Quang cho biết.

Ngoài ra, ông Quang còn khẳng định: “Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên được bán với giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg”.

Nhãn Hưng Yên

Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội 2017 là một trong nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên và kế hoạch triển khai hợp tác trong xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa 2 địa phương giai đoạn 2015 - 2020.

Đồng thời quảng bá, tuyên truyền, phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên tại thị trường Thủ đô để người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận với sản phẩm chính thống nhãn lồng Hưng Yên.

Đây cũng là dịp để các đơn vị phân phối trên địa bàn TP Hà Nội hỗ trợ cho các nhà phân phối các tỉnh, tư vấn về mẫu mã, chất lượng, hình thức bao bì đóng gói, đặc biệt áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.

Nhãn đang được bán với giá ưu đãi

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho biết: “Chúng tôi đã và đang kết nối với các nhà sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản, chỉ cần đảm bảo các tiêu chuẩn như có giấy chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, có nhãn mác… sẽ dễ dàng đưa vào hệ thống siêu thị”.

“Khi các sản phẩm nông sản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sạch, việc tiêu thụ sẽ không có gì khó khăn vì bây giờ nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, thu nhập bình quân cũng đã tăng lên nên đòi hỏi của người dân cũng cao hơn. Do đó, chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm nông sản của chúng ta sẽ không lo “ế””.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận: “Khó khăn của ngành nông sản Việt chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa sản xuất theo chuỗi nên việc đảm bảo các yếu tố về tiêu chí sạch, rõ xuất xứ… như yêu cầu hiện nay của thị trường không phải đơn giản”.

“Chính bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của các DN, các hợp tác xã trong việc kết nối giữa các nhà sản xuất với DN mà ở đó, hợp tác xã sẽ là cầu nối để DN và người nông dân gặp nhau. Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên hay vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội cũng chính là những cơ hội để tạo ra sự kết nối đó”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Tuần lễ vải đã diễn ra cách đây hơn 1 tháng

Lần đầu tiên tham dự Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội, ông Trần Văn Mý, Chủ nhiệm HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) bày tỏ mong muốn có thể kết nối với các DN tại Hà Nội, từ đó có đầu ra sản phẩm để các xã viên ổn định sản xuất.

Ông Mý cho biết: “Hợp tác xã Quyết Thắng có 17 hộ xã viên, các hộ này đều ký cam kết với hợp tác xã, đảm bảo sẽ không “cắt” hợp đồng giữa chừng kể cả khi có thương lái trả giá cao hơn.

“Bằng việc cam kết với bà con mức giá hợp lý và đảm bảo đầu ra ổn định, hợp tác xã chúng tôi là đầu mối để đưa sản phẩm nhãn lồng của bà con đến với DN nhanh hơn, hoàn toàn không có tình trạng thương lái ép giá”, ông Mý nhấn mạnh.

Nhiều DN có mặt tại tuần lễ nhãn Hưng Yên cho rằng: “Để giải bài toán đầu ra cho nông sản một cách ổn định và bền vững, vai trò của các hợp tác xã rất quan trọng”.

“Trong đó, hợp tác xã chính là cầu nối giữa chúng tôi và nông dân, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các hợp tác xã này, người dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất”, DN chia sẻ thêm.

Cây nhãn đang dần đem lại giá trị cao cho người nông dân

Nhãn lồng Hưng Yên là loại trái cây đặc trưng của tỉnh Hưng Yên với đặc điểm nổi bật quả tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, với hương vị đặc trưng, mùi thơm, cùi quả dày, ráo nước, cơm nhãn màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm… Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Trên toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.300 ha nhãn được trồng tập trung ở thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ, cho sản lượng hằng năm khoảng 40 nghìn tấn.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 155 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGap, hai vùng nhãn ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên và xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Người nông dân thu hoạch nhãn (Nguồn: Báo Lao Động)

Năm 2017, sản lượng nhãn lồng Hưng Yên dự kiến đạt khoảng 32.000 tấn ước đạt 900 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhãn đã thu hoạch khoảng 30 - 35% sản lượng.

Với diện tích và sản lượng lớn, cây nhãn đem lại giá trị thu nhập từ 900 tỷ đồng. Tại một số vùng trồng quy mô tập trung (như xã Hàm Tử, xã Đông Kết thuộc huyện Khoái Châu, xã Hồng Nam - thành phố Hưng Yên), người trồng nhãn có lãi từ 180-200 triệu đồng/ha/năm.

Đối với bà con ở đây, nhãn là nguồn thu nhập chính và giờ đây nó cũng đang dần đem lại cuộc sống khấm khá hơn tại vùng quê này.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP