Ông Phạm Hoàng Anh. |
Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng về tội "Nhận hối lộ".
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cùng ngày, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Ông Phạm Hoàng Anh sinh năm 1975, nguyên quán tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông từng đảm nhiệm qua nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc như tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc.
Tháng 9/2017, ông Phạm Hoàng Anh được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định làm Bí thư Thành uỷ Vĩnh Yên.
Tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phạm Hoàng Anh được bầu giữ chức Phó Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thuý Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.
Bà Lan và ông Thành bị bắt vì có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (viết tắt Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (viết tắt Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 6 diễn ra vào ngày 21/3, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.
Một ngày trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định bà Hoàng Thị Thúy Lan đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; thực hiện quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bà Hoàng Thị Thúy Lan bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Đối với ông Lê Duy Thành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Thành đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Duy Thành.
Tác giả: Tuệ Lâm
Nguồn tin: vietnamfinance.vn