Pháp luật

Nhà xe Tuấn Việt (Nghệ An): Hành trình sai tuyến, lừa dối khách hàng

Chiều thứ 7 (ngày 07/5/2016) tôi có việc phải đi Hà Nội công tác. Tôi đón xe tại khách sạn Mường Thanh (Diễn Châu, Nghệ An). Khoảng 5 giờ, tôi lên xe giường nằm của nhà xe Tuấn Việt.

Trước khi lên xe, tôi hỏi phụ xe: “Xe về bến Nước Ngầm (Hà Nội) không?”.

Cả phụ xe và lái xe trả lời chắc chắn: “Xe về cả bến Nước Ngầm, bến Giáp Bát và bến Mỹ Đình. Bác không tin, đến bến trả tiền”.

Tôi yên tâm lên xe, vì phía trước xe, một loạt biển chỉ dẫn nơi đến các bến của nhà xe Tuấn Việt được “niêm yết” công khai (xem ảnh).

Lên xe, khách khá đông. Xe chạy được một lúc, phụ xe thu tiền của tôi với mức giá 180.000 đồng (Diễn Châu - Hà Nội), trong khi đó, biển ghi mức giá quy định toàn tuyến từ Tp Vinh (Nghệ An) đến bến xe Đại Từ (Thái Nguyên) là 200.000 đồng. Với chặng đường Diễn Châu – Hà Nội và chiều ngược lại, những xe khác tôi đã đi như nhà xe Thanh Nga, Lan Hiếu, Hào Thanh, Nguyên Oanh, H&N… là 150.000 đồng.

QQ20160511 3
Giá niêm yết nhà xe tử bến xe Vinh đến bến xe Đại Từ (khoảng 400km) là 200 ngàn, nhưng khách lên xe từ Diễn Châu về đến Hà Nội (khoảng 250km) nhà xe thu 180 ngàn.

Tôi thắc mắc, cả phụ xe và lái xe đều đáp: “Thứ 7 chiều ra vắng khách, xe nào cũng thu giá vé vậy thôi”. Vì đã ổn định chỗ, xe đã chạy được 1 quãng nên tôi chấp nhận, mặc dù biết rằng, nhà xe thu mức như vậy là quá cao so với quy định của Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Xe Tuấn Việt chạy khá chậm so với tốc độ quy định và dừng dón khách rất tuỳ tiện. Ra đến đường tránh Tp Thanh Hoá (đối diện với siêu thị Big C), lái xe dừng đón khách nào đó gần 60 phút, mặc cho hành khách phản ứng.

Xe ra đến gần vị trí đèn tín hiệu Pháp Vân (Hà Nội), lúc đó khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, lái xe và phụ xe yêu cầu khách về bến Nước Ngầm và bến Giáp Bát (Hà Nội) xuống xe. Rất nhiều ý kiến phản đối, thắc mắc, nhưng cả lái xe và phụ xe lúc này làm ngơ.

Nhiều hành khách là người già và trẻ em bị nhà xe Tuấn Việt ngang nhiên thả xuống dọc đường.

Lúc này, tôi mới để ý tới tờ giấy ghi “Tuyến cố định” của xe này được dán ở kính chắn gió là: Bến xe Vinh - Bến xe Đại Từ. Tên doanh nghiệp quản lý phương tiện là: Công ty TNHH Tuấn Việt. Thời hạn giấy phép được ghi là đến ngày 30/5/2016. Giấy phép do Sở Giao thông vận tải Nghệ An cấp cho xe mang biển kiểm soát: 29B-123.62.

QQ20160511 1
Giấy phép tuyến của xe 29B.123.62

Điều đáng nói là, trong suốt hành trình từ khi tôi lên xe cho tới lúc bị thả xuống ngang đường, những tấm biển ghi địa chỉ nơi đến của nhà xe vẫn được đặt công khai phía trước kính chắn gió. Cứ mỗi lần đến trạm kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông từ Nghệ An ra tới Hà Nội (đi qua các tỉnh Thanh Hoá - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Nội), lực lượng chức năng không hề lên xe kiểm tra mà chỉ thấy phụ xe cầm tờ giấy có kẹp tiền trong đó, nhảy xuống gặp họ, vài phút sau thấy phụ xe nhảy lên xe và xe lại chạy tiếp. Mỗi lần lên xe, phụ xe lại lẩm bẩm chửi tục “Đ.m nó đòi đớp 2 củ!”

Rõ ràng rằng, nếu cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm túc thì việc công khai các tấm biển chỉ địa điểm trả khách phía trước xe như vậy, so với giấy phép tuyến là sai, nhưng chính lực lượng CSGT đã không nghiêm túc khi thi hành công vụ.

Trao đổi sự việc với một số người hay đi xe khách tuyến này, họ cho biết: Do Sở Giao thông công chính Hà Nội hạn chế cấp giấy phép cho xe từ bến xe Vinh về bến xe Nước Ngầm, bến xe Mỹ Đình nên nhiều nhà xe đã “lách” bằng việc xin cấp giấy phép ở tuyến xa hơn nhưng có cùng cung đường đi qua bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm (như bến xe Bắc Ninh, bến xe Đại Từ…). Thậm chí có nhiều nhà xe không xin được giấy phép, vẫn tham gia vận tải hành khách từ Nghệ An ra Hà Nội nhưng vẫn không bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý.

QQ20160511 2
Các biển chỉ dẫn điểm đến của xe không đúng quy định nhưng vẫn được lực lượng CSGT trên toàn tuyến phớt lờ

Chính kiểu buông lỏng quản lý các nhà xe trên toàn truyến nêu trên của các lực lượng chức năng, là nguyên nhân gây nên kiểu cạnh tranh không lành mạnh, tranh dành khách, mãi lộ…

Xung quanh bến xe Mỹ Đình, có không ít chủ phương tiện không có giấy phép tuyến vẫn hoạt động chui lủi nhiều năm nay mà lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội và Thanh tra Giao thông quận Nam Từ Liêm vẫn làm ngơ. Các xe không giấy phép tuyến vẫn ngang nhiên đón, trả khách ở các điểm trôi nổi xung quanh các bến xe, có lúc, ngay trước mặt lực lượng chức năng, nhưng vẫn “bình an vô sự”.

Hành trình cùng xe 29B-123.62 của nhà xe Tuấn Việt, tôi được chứng kiến rất nhiều trạm CSGT dọc QL1A, dày đặc nhất là địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Thế nhưng, không có trạm CSGT nào phát hiện ra xe này có dấu hiệu vi phạm tuyến, vi phạm điểm trả khách, vi phạm giá vé theo quy định.

Qua bài viết này, rất mong Sở Giao thông công chính Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên, Sở Giao thông vận tải Nghệ An và các trạm kiểm soát của lực lượng CSGT các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội cần thể hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình, lấy lại lòng tự trọng, chấn chỉnh tình trạng các nhà xe đón trả khách sai tuyến, sai địa điểm, xe hoạt động chui, để người dân không bị lừa.

Tác giả bài viết: Khánh Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP