|
Ông Matthias Wachter - Giám đốc phụ trách An ninh và nguyên vật liệu tại BDI cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vật liệu thô đang là rất cao, bởi nhu cầu tăng nhanh hơn so với năng lực sản xuất. Nếu không có đủ nguồn cung các nguyên liệu cần thiết như cô-ban, gra-phít, li-ti hay măng-gan, sẽ không có công nghệ tương lai nào được sản xuất tại Đức.”
Nhu cầu đối với các vật liệu này dự kiến sẽ tăng mạnh trong bối cảnh các hãng sản xuất ô tô đang tập trung đầu tư phát triển xe điện, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của chính phủ nhiều nước trên thế giới.
Volkswagen cho biết đang nỗ lực để đảm bảo các hợp đồng cung cấp dài hạn nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Trước đó, hãng xe của Đức đã lên kế hoạch đầu tư 34 tỷ euro vào việc phát triển xe điện trong giai đoạn từ nay tới 2022, nhằm cạnh tranh với đối thủ Tesla.
Thương hiệu Mercedes của Daimler hiện cũng đang lên kế hoạch cung cấp phiên bản chạy điện cho tất cả các mẫu xe thương mại của hãng trong giai đoạn từ nay tới 2022. Còn BMW - một trong những hãng xe đi tiên phong trong lĩnh vực này với chiếc i3, cũng đã cam kết đưa 12 mẫu xe vận hành hoàn toàn bằng năng lượng điện vào sản xuất hàng loạt kể từ năm 2025.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế như tập đoàn Umicore của Bỉ hay Retriev Technologies của Mỹ hiện đang lên kế hoạch chiết xuất kim loại từ những bộ pin cũ để có thể đáp ứng được sự thiếu hụt về mặt nguyên vật liệu.
Tác giả: Lạc Diệp (Theo Reuters)
Nguồn tin: Báo Dân trí