Ngày 23/2, tại Hà Nội, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) đã tổ chức hội thảo: Công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm.
Ông Trương Công Nghĩa, Cố vấn chương trình khảo sát cho hay, muốn gắn kết DN với người tiêu dùng hơn thì DN phải hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và phải hiểu về chính năng lực, khả năng của bản thân DN. Do vậy, cuộc điều tra người tiêu dùng Việt Nam sẽ giúp DN thực hiện được mục đích trên, từ đó để DN có những kế hoạch nghiên cứu, phát triển, sản xuất và quảng bá sản phẩm trên thị trường tốt hơn.
Cuộc điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 được BSA thực hiện trên 16.000 người tiêu dùng của 12 tỉnh thành cả nước với tất cả sản phẩm thuộc 37 ngành hàng cùng gần 3.000 DN.
Báo cáo về kết quả điều tra năm 2016 cho thấy mức độ tập trung người tiêu dùng ở tất cả kênh phân phối không sôi động bằng những năm trước, kênh truyền thống (kênh chợ) giảm vị thế hơn so với trước, do hệ thống siêu thị ngày càng thu hút khách.
Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn quen kiểu mua sắm – giao dịch trực tiếp, hệ thống phân phối online có khởi sắc nhưng lại tập trung nhiều nhất vào sản phẩm các ngành: thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử.
Đối với DN, báo cáo đánh giá, DN Việt đang đứng trước thách thức lớn về “sức ép” và “lỗ hổng” trong hệ thống bán lẻ ngay tại thị trường nội địa. DN nào có hệ thống phân phối sâu rộng sẽ chiếm được ưu thế trên thương trường.
Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác vẫn là nỗi lo thường trực của DN khi hiện tượng này ngày càng phổ biến. Thậm chí, có DN còn cho rằng mất thị trường và bị phá sản cũng vì bị hàng giả.
Báo cáo điều tra của BSA còn báo động về tình trạng nhiều DN không sản xuất mà chỉ mua sản phẩm của Trung Quốc… về dán nhãn rồi tung ra thị trường.
Có hiện tượng trên bởi kết quả điều tra cho thấy, người tiêu dùng ngày càng có tâm lý e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt ở một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi… Do đó, hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ thuận lợi này và đã đang nỗ lực thay thế bằng việc gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường, tổ chức nhiều loại hình tiếp thị nhằm đánh vào tâm lý sính “hàng ngoại” của người Việt.
“Các sản phẩm về thực phẩm của nước ta thời gian tới sẽ gặp nhiều những cạnh tranh từ sản phẩm của các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan. Hiện nay, mặc dù người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng Việt Nam nhưng họ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng của sản phẩm”, ông Trương Công Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh những lo ngại về hàng giả, người tiêu dùng vẫn luôn quan tâm và lo lắng trước tình trạng “thực phẩm bẩn”, theo kết quả điều tra, lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng về vấn đề này là chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường và việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất.
Từ những lo ngại của người tiêu dùng, BSA đã công bố tiêu chí đánh giá xếp hạng hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập ngành thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo động lực thúc đẩy DN phải đảm bảo giữ vững chất lượng hàng hóa. Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở hợp tác với các cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, chọn ra từ những tiêu chí trong các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận của nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là những thị trường NK chính của Việt Nam.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch BSA, hàng Việt Nam chất lượng cao cần tới một hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, khoa học hơn. Nên để được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí này, DN, sản phẩm phải được người tiêu dùng tin cậy, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm trong nước cũng như quốc tế, cùng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của DN (đối với người lao động và môi trường).
Tác giả bài viết: Hương Dịu (theo báo Hải quan)