Giải trí

Người nổi tiếng biến mạng xã hội thành công cụ đấu tranh: lợi bất cập hại?

Mạng xã hội tạo ra những tiện ích mới giúp con người dễ dàng tương tác với nhau. Nhiều người nổi tiếng đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để bày tỏ sự bức xúc hoặc “đấu tranh” để đòi lại sự công bằng. Tuy nhiên, việc này đôi khi lại như một con dao hai lưỡi.

Không phải việc gì cũng có thể đưa lên mạng xã hội?

Thời gian gần đây, khá nhiều vụ livestream (phát video trực tuyến) của những người nổi tiếng khiến dư luận dậy sóng. Câu chuyện mới nhất vẫn chưa thể “hạ hồi phân giải” liên quan đến chị Nguyễn Hồng Nhung - bà xã của NSƯT Xuân Bắc, giảng viên khoa Sân khấu và Múa trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội livestream “tố” đồng nghiệp của chồng chèn ép, nhà trường đối xử bất công.

Ngay khi đoạn clip này phát trực tiếp trên mạng xã hội đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều, người cảm thông, người phản đối.

Hình ảnh bà xã NSƯT Xuân Bắc livestream hôm 11/9 tố đồng nghiệp chồng chèn ép, bị nhà trường đối xử.

Bản thân chị Nguyễn Hồng Nhung khi được hỏi vì sao lại chọn livestream mà không làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng luật có chia sẻ rằng, chị chủ ý sử dụng mạng xã hội vì nghĩ đấu tranh bằng dư luận là cách có thể đòi được quyền lợi nhanh nhất, giành được nhiều sự quan tâm nhất.

Trước bà xã của NSƯT Xuân Bắc, nhiều nghệ sỹ khác như: danh hài Việt Hương, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Minh Hằng, Phi Thanh Vân và NSƯT Chu Hùng cũng đã chọn cách livestream để bày tỏ vấn đề mà bản thân đang gặp phải và cũng muốn cộng đồng mạng giúp mình đòi lại quyền lợi.

Danh hài Việt Hương vào hồi tháng 2/2017 đã livestream để đáp trả người đã chửi bới hoạt động thiện nguyện của mình và “lên án” một số cá nhân đã “ném đá” mình. Việc làm của Việt Hương sau đó cũng bị khá nhiều cư dân mạng phản đối bởi họ có cảm giác nữ danh hài này hơi cố chấp và tính toán thiệt hơn.

Vào hồi tháng 7/2017, NSƯT Chu Hùng cũng khiến truyền thông và mạng xã hội “đứng ngồi không yên” khi livestream kêu cứu vì 3 năm không được cấp điện nước khiến cuộc sống lâm vào cảnh tối tăm. Mặc dù sau đó, xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã cấp lại nước cho nam nghệ sỹ này nhưng sự thật về câu chuyện “cắt điện, cắt nước” cũng khiến nam nghệ sỹ không muốn đả động thêm khi được hỏi đến.

Điều đáng nói là việc livestream của những người nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của dư luận bởi độ phát tán của những clip này là rất nhanh. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ sự việc này nhất là khi câu chuyện được “phanh phui”.

Chia sẻ về câu chuyện bà xã NSƯT Xuân Bắc livestream tố đồng nghiệp, NSƯT Minh Vượng cho rằng, mạng xã hội là nơi gắn kết mọi người với nhau nên khi đàn em lấy mạng xã hội để chia sẻ chuyện này chuyện kia… làm cho mọi thứ trở nên ồn ào khiến chị rất buồn.

Bản thân nghệ sỹ Trà My cũng cho rằng, phàm là người nổi tiếng thì nên cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói lẫn cách hành xử. Việc đưa những vấn đề riêng tư lên mạng xã hội sẽ khiến người đời dễ hiểu theo một chiều hướng khác và khi đó người bị ảnh hưởng trước hết là bản thân mình. Chị cũng cảm thấy buồn khi thời gian gần đây có quá nhiều người nổi tiếng xem mạng xã hội như một công cụ để làm những chuyện không đáng nên làm.

Mạng xã hội cũng cần phải có ứng xử chuẩn mực

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, mạng xã hội cũng tựa như một xã hội thu nhỏ, ở đó có rất nhiều thành phần xã hội khác nhau. Thậm chí, con người ở đây còn có cơ hội tương tác và giao tiếp với nhau nhiều hơn ở thế giới bên ngoài. Vì thế, không có lý gì phải hạn chế đi cơ hội được kết bạn, bày tỏ quan điểm, bày tỏ cảm xúc… rất thường tình của con người.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, về nguyên tắc, cách ứng xử trên mạng xã hội cũng không khác là mấy so với ngoài đời thực. Ở đâu cũng phải có những chuẩn mực, giới hạn và văn hóa ứng xử phù hợp.

“Tôi lấy ví dụ, nếu bạn đi trên đường, bạn cũng không thể đi nghênh ngang trái luật, muốn đi thế nào thì đi, muốn đâm vào ai thì đâm. Trong cuộc sống hàng ngày, khi tương tác với nhau cũng phải có những chuẩn mực ứng xử. Các cụ hay nói là biết giữ mồm giữ miệng, nói đúng lúc đúng chỗ, uốn lưỡi trước khi nói…

Và trên mạng xã hội cũng vậy thôi. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ mạng xã hội là ảo nên quên mất cách ứng xử cho phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng, nếu có một số cá nhân chưa có cách ứng xử chưa hợp lý thì chắc chắn sẽ phải gánh những phiền lụy nhất định”, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, phàm là người nổi tiếng bao giờ cũng bị chú ý và soi mói nhiều hơn là người bình thường. Người ta thường trông đợi vào người nổi tiếng một cách hành xử tốt đẹp, chuẩn mực, văn minh… Và bên cạnh đó, thông tin người nổi tiếng đưa ra cũng có sức nặng hơn. Vì thế, bất kỳ điều gì cũng cần phải cân nhắc, nhất là trong cách truyền đạt thông tin đến đám đông.

“Người ta nói mạng xã hội là con dao hai lưỡi vì không phải câu chuyện nào cũng nhận được sự cảm thông và chia sẻ mà sẽ có những phản biện xã hội ở những góc nhìn khác nhau. Nếu chủ ý biến mạng xã hội trở thành công cụ để bộc lộ cảm xúc hoặc đấu tranh thì phải lường trước được những việc đó.

Áp lực từ dư luận khi họ bới móc và lật đi lật lại vấn đề để soi chiếu là rất lớn. Tóm lại, nguy cơ của việc bản thân phải đối diện với áp lực trái chiều từ việc này là rất cao”, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói thêm.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP