Liên quan việc ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, thừa nhận doanh nghiệp này bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt, luật sư Lại Văn Doãn (Đoàn luật sư Hà Nội) đã chia sẻ với Zing.vn về góc nhìn riêng của mình.
"Tôi sẽ không bao giờ mua hàng của thương hiệu này lần nữa"
Không lâu sau cú sốc của VN Pharma "dính phốt" liên quan đến thuốc trị ung thư, người tiêu dùng một lần nữa “chết đứng” khi ông chủ Khaisilk thừa nhận việc kinh doanh lụa made in China. Để sở hữu một tấm lụa từ nhãn hiệu Khaisilk, người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Nhưng điều khách hàng nhận lại là sự phản bội về niềm tin - thứ vốn đã ít ỏi, nay bốc hơi nốt theo những lý lẽ ngụy biện ngô nghê của ông chủ thương hiệu lụa nổi tiếng.
Đây như là cú đá bồi vào niềm tin của người tiêu dùng trong nước về hàng Việt. Và cái giá Khaisilk phải trả sẽ là vô cùng đắt đỏ khi người tiêu dùng quay lưng với hàng hóa của doanh nghiệp này.
Khaisilk thừa nhận doanh nghiệp này bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt. Ảnh: V.D. |
Tôi sẽ không bao giờ mua hàng của thương hiệu này một lần nữa để những doanh nhân kiếm tiền từ việc lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng phải trả giá đắt. Nhiều doanh nhân trong nước hiện nay đang coi thường người tiêu dùng, sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn để kiếm tiền phi pháp và coi hành vi đó như một lẽ thường tình.
Họ lợi dụng các kẽ hở pháp lý, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng để trục lợi. Tôi có cảm giác nếu các cơ quan chức năng không hành động kịp thời và quyết liệt thì rất có thể người tiêu dùng sẽ hoàn toàn quay lưng với hàng trong nước. Khi đó sẽ vô vàn khó khăn để hàng hóa mang thương hiệu trong nước tìm chỗ đứng trên sân nhà.
Về mặt pháp lý, hành vi nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt có nhiều điểm nghi vấn cần phải làm rõ về nguồn gốc hàng hóa, các thức triển khai hoạt động kinh doanh và thời điểm nào ông Hoàng Khải bắt đầu nhập hàng Trung Quốc về giả hàng Việt Nam bán ra thị trường? Từ đó sẽ có căn cứ để truy trách nhiệm của các cá nhân trong sự việc "treo đầu dê bán thịt chó", đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
Khaisilk có dấu hiệu của việc buôn bán hàng giả
Ông chủ thương hiệu Khaisilk - doanh nhân Hoàng Khải - đã chính thức thừa nhận hành vi bán hàng có xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác thương hiệu Khaisilk (tức là hàng Việt Nam). Căn cứ quy định pháp luật hình sự, hành vi này của ông chủ Khaisilk có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 bộ luật hình sự.
Hàng giả gồm: "Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa" Theo Điểm e Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP |
Đối chiếu quy định về hàng giả và văn bản pháp lý thì hành vi dùng hàng Trung Quốc gắn nhãn hàng sản xuất trong nước chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Hành vi này có cấu thành tội hay không cần phải căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất của hành vi thông qua việc điều tra xác minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Song với mức độ số lượng hàng giả chiếm tới 50% thì việc ông chủ Khaisilk có thể vướng vòng lao lý, vì chỉ cần buôn bán hàng giả có giá trị tương đương hàng thật tới 30 triệu đã đồng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.
Khaisilk lừa người tiêu dùng từ khi nào?
Tôi cho rằng cơ quan chức năng phải vào cuộc sớm và quyết liệu để giải quyết các câu hỏi lớn mà dư luận đang rất quan tâm đó là: Khaisilk bắt đầu lừa người tiêu dùng từ khi nào? Tại sao việc Khaisilk nhập khẩu lụa của Trung Quốc về gắn mác lụa trong nước với số lượng lớn chiếm tới 50% lại không bị cơ quan chức năng phát hiện?
Khách hàng tố trên chiếc khăn mua của Khaisilk vừa có "made in China" vừa có mác Khaisilk made in Vietnam. Ảnh: Fb/Dangnhuquynh. |
Với số lượng lớn hàng hóa như vậy, có thể nói hành vi buôn bán hàng giả này của Khaisilk đã thực hiện trong thời gian dài. Làm rõ được các vấn đề trên sẽ hoặc trực tiếp nhập khẩu. Trong trường hợp Khaisilk thông đồng với một doanh nghiệp khác để qua mặt các cơ quan chức năng thì cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trường hợp Khaisilk tự đứng ra nhập khẩu thì cần phải xác minh rõ Khaisilk nhập khẩu theo con đường nào? Nếu không có các giấy tờ chứng từ chứng minh việc nhập khẩu các hàng hóa này mà lén lút nhập thông qua con đường trái pháp luật thì hành vi này có thể vi phạm pháp luật hình sự về tội Buôn lậu, quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.
Người tiêu dùng có được bồi thường?
Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng thì cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.
Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Áp vào các quy định trên, người tiêu dùng mua phải hàng giả có quyền yêu cầu Khaisilk bồi thường để bảo vệ quyền lợi của mình.
Vụ việc này là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nhân lười tư duy, lười học hỏi tích lũy kinh nghiệm lại muốn giàu nhanh bất chấp các quy tắc đạo đức và không tôn trọng luật pháp. Một khi mất niềm tin với người tiêu dùng thì không tiền bạc nào có thể mua lại được. Tiền cũng không thể dùng để mua lại sự tự do mua một khi vướng vào vòng lao lý, cũng không thể mua lại được danh tiếng mà mình đã tự tay vấy bẩn.
|
Trước đó, vào ngày 17/10, khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa hiệu Khaisilk tại cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) phát hiện một chiếc vừa gắn mác “made in Vietnam” vừa có mác “made in China”. Hai hôm sau, Khaisilk có văn bản trả lời khách hàng, trong đó giải thích sự việc xảy ra do sự nhầm lẫn của nhân viên kho hàng khi đính nhãn mác.
Ngày 25/10, ông chủ Khaisilk thừa nhận với Zing.vn là bán khăn “made in China” và vụ việc xảy ra là do khả năng quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, không bao quát được tất cả lĩnh vực, không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin Khaisilk bán hàng Trung Quốc. Cùng ngày, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, thu hồi một số sản phẩm lụa tại đây.
Điều 156 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả: 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm". |
Tác giả: Luật sư Lại Văn Doãn
Nguồn tin: zing.vn