Kinh tế

Khaisilk bán lụa Trung Quốc: Đủ căn cứ có thể khởi tố hình sự

Trong vụ việc này, Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc trong một thời gian dài và khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường rất lớn, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và có đủ căn cứ thì có thể khởi tố hình sự vụ việc.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận với khách hàng mình bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác khăn lụa “Khaisilk made in Vietnam”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, ngay từ khi ông chủ của thương hiệu Khaisilk - Hoàng Khải - thừa nhận chuyện nhập hàng Trung Quốc suốt từ những năm 90 về bán dưới thương hiệu Khaisilk xuất xứ từ Việt Nam thì rõ ràng, đã có những vi phạm pháp luật nhất định.

“Thứ nhất là về sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký một nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nào đó, anh phải nói rõ nguồn gốc xuất xứ, còn tôi tin trong hồ sơ này Khaisilk khai rằng xuất xứ của những sản phẩm của họ là từ những làng nghề của Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền trao đổi với báo chí về vụ Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc

Thứ hai là nếu trong suốt thời gian qua, người tiêu dùng đã mua hàng Khaisilk, với thông tin ông Hoàng Khải đưa ra là sản phẩm lụa tơ tằm sản xuất tại Việt Nam thì họ đang bị lừa dối. Việc lừa dối này vi phạm điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hơn thế, ông Khải đã không cung cấp đầy đủ thông tin, chỉ khi người tiêu dùng phát hiện ra ông mới thừa nhận, thậm chí còn cố che giấu thông tin sản phẩm của mình - cũng là vi phạm điều 8 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tức một trong những điều cấm của Luật”, ông Truyền dẫn chứng.

Theo ông Truyền, việc gian dối trong một thời gian dài và khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường rất lớn, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và có đủ căn cứ, thì có thể khởi tố hình sự vụ việc. Đơn cử, nếu giá trị hàng hóa là trên 30 triệu đồng và có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, làm giả nhãn mác và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật thì sẽ xử lý hình sự.

Khách hàng, nhà cung cấp cũng có thể khởi kiện

Trả lời thắc mắc của khách hàng Đặng Như Quỳnh - người mua 60 khăn lụa tại thương hiệu Khaisilk ở số 113 Hàng Gai với tổng hóa đơn 38 triệu đồng là có đủ cơ sở để khởi kiện không, ông Truyền cho rằng, trong trường hợp này, nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm hoàn toàn có quyền làm đơn đề nghị Hội Bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc để giải quyết.

Trường hợp thấy việc đền bù không thỏa đáng, với những thiệt hại về thời gian hay công sức bỏ ra, họ có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Luật Dân sự 2015.

Theo Luật sư Truyền, khách hàng, nhà cung cấp có thể khởi kiện Khaisilk về tội gian dối không cung cấp đủ thông tin hàng hóa

Bên cạnh đó, những nhà cung cấp nguồn hàng cho Khaisilk bao năm qua cũng có thể khởi kiện Khaisilk về tội đã gian dối, không cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa của họ đến với người tiêu dùng; vì ông Khải đã trộn hàng của đơn vị khác vào và dán nhãn mác khác, lấy danh tiếng của làng nghề đó để kinh doanh.

Còn chuyện khăn lụa tơ tằm của Khaisilk bị phát hiện có 2 mác “Made in China” và Khaisilk made in Vietnam”, theo ông Truyền, là đã có sự vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định về xuất xứ hàng hóa, quy định về xuất nhập khẩu mỗi nước sẽ có quy định cụ thể. Với một sản phẩm mà để hai mác về nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng đang có dấu hiệu về gian lận thương mại, nói cụ thể hơn là đang lừa dối khách hàng - những người đang mang lại doanh số cho Khaisilk.

Người tiêu dùng đều biết thương hiệu Khaisilk là niềm tự hào cho lụa Việt Nam, đặc biệt các làng nghề. Chính phủ cũng rất nhiều lần sử dụng sản phẩm này để làm quà biếu trong các nghi lễ ngoại giao. Từ đây, ông Truyền cho rằng sẽ đặt ra thách thức rất lớn với cả nhà quản lý và nhà kinh doanh.

Bởi, nếu nhà quản lý không thực sự liêm chính và nhiệt huyết trong việc quản lý hàng hóa của các doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến trường hợp người tiêu dùng bị lừa dối liên tục và lâu dài như trên. Còn người kinh doanh, nếu chỉ trông chờ lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị bền vững mà họ đang dựa vào đó để kiếm lợi, phản bội lại chính tuyên ngôn, tôn chỉ mục đích của mình, thì cộng đồng và người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lực của mình, đó là quyền lực không mua hàng, thậm chí có thể tẩy chay, luật sư Nguyễn Thế Truyền chia sẻ.

Tác giả: B.Hân - D.Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP