Tin địa phương

Người dân đua nhau xây nhà trong Làng Đại học Đà Nẵng chờ đền bù

Nhiều công trình, nhà cửa xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật, trên đất sản xuất nhưng chính quyền địa phương không hay biết.

Những ngày qua, tin đồn Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nằm giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sắp triển khai, nhiều hộ dân ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ, đào ao nuôi cá, xây bể bơi trong đất vườn và cả đất sản xuất chờ đền bù.

Khối phố Câu Hà nằm cách UBND phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chừng 2 cây số. Theo quy hoạch được duyệt, toàn bộ 207 hộ dân của khối phố này nằm gọn trong vùng dự án. Nơi đây hiện đang trở thành “điểm nóng” về xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều ngôi nhà xây mới trên đất sản xuất, chính quyền kiểm tra, lập biên bản xử phạt nhưng chủ hộ vẫn tiếp tục triển khai. Như trường hợp ông Phan Đình Tín ở khối phố Câu Hà, xây dựng công trình trái phép trên đất sản xuất, diện tích 1.200 m2.

Bức tường bao bọc công trình xây dựng trái phép của ông Phan Đình Tín.

Để bảo vệ cho khu đất sản xuất đang biến thành đất ở này, ông Tín xây dựng bức tường cao ngất ngưỡng, cổng ngõ kiên cố. Bên trong, một nhóm công nhân đang hì hục xây dựng bể bơi, ao cá. Đội Quy tắc đô thị phường nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, UBND phường Điện Ngọc ra quyết định xử phạt nhưng chủ hộ vẫn tiếp tục xây dựng.

Người này xây dựng được thì người khác cũng xây dựng theo. Cứ như vậy, khối phố Câu Hà trở thành đại công trình với nhiều ngôi nhà mọc lên. Tin đồn tháng 8 tới, dự án được triển khai khiến nhiều người đổ xô đi mua vật tư về xây nhà.

Bên trong bức tường xây trái phép của ông Tín, công nhân đang hì hục đào ao nuôi cá và xây bể bơi.

Ông Nguyễn Viết Nuôi ở Khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn cho biết: "Thông tin thì tui cũng nghe nhiều rồi. Nghe nói tháng 8 tới đây là khởi công làm. Con tui làm nhà ở chớ ai. Bởi vì đất ni là đất lâu năm mà. Đời ông cha tui để lại, chừ tới con tui làm nhà ở bình thường".

Khi phóng viên hỏi làm như vậy phường có lên lập biên bản không, ông Nuôi trả lời: "Không. Bởi vì đất ở địa phương, người cũng của địa phương. Đất ni dạng như vườn tạp, cũng gần như đất thổ cư rồi".

Ngôi nhà ông Nguyễn Viết Nuôi xây trên đất thổ cư cho con ông ở.

Một ngôi nhà mọc lên bên cạnh ngôi nhà cũ.

Theo quy hoạch, 2/3 diện tích Làng đại học nằm trên địa bàn phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 4 khối phố nằm trong dự án bị ảnh hưởng, gồm: khối phố Câu Hà, hơn 200 hộ dân; khối phố Tứ Hà 250 hộ dân; khối phố Ngọc Vinh, 150 hộ dân và khối phố Tứ Ngân, 70 hộ dân.

Do dự án triển khai quá lâu (gần 22 năm) nên công tác quản lý hiện trạng gần như bỏ ngỏ. Điều này sẽ để lại hệ lụy lớn cho công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sau này. Nhất là khi giá đất thực tế tại đây đã tăng gấp trăm lần so với trước đây, nên việc áp giá đền bù sẽ rất khó khăn.

Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn cho biết, Đội Quy tắc của phường trước đây chỉ có 2 người nên không đủ sức quản lý hiện trạng.

Sau đó, Ủy ban nhân dân phường tăng cường thêm 2 người nữa do phó Chủ tịch phường làm Tổ trưởng nhưng vẫn không kiểm soát được việc xây dựng trái phép.

"Thứ nhất là địa bàn quá rộng. Không chỉ có Làng Đại học này không mà hầu như 13 khối phố chỗ nào cũng có dấu hiệu xây dựng trái phép. Thủ đoạn hiện nay cũng hết sức tinh vi. Những người họ xây dựng trước đây thì họ lừa bán lại cho những người sau. Những trường hợp này ở các nơi đến mua. Khi họ mua rồi bằng mọi giá họ cũng cơi nới. Năm 2010 khoảng 400 đến 500 nhà, cưỡng chế đâu được mười mấy cái là không cưỡng chế nổi nữa dừng lại đến bây giờ", ông Huyến nói.

Tường rào, cổng ngõ mọc lên san sát trong làng Đại học Đà Nẵng.

Thêm 1 ngôi nhà mới mọc lên là thêm nỗi lo cho công tác giải tỏa đền bù sau này.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng dự kiến tổng mức đầu tư hơn 8.620 tỷ đồng. Trong đó, 3.700 tỷ đồng là kinh phí đền bù, giải tỏa. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc giải phóng mặt bằng, di dời giải tỏa các hộ dân trong vùng dự án, với quy mô rộng hơn 300 héc ta.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ủng hộ đề xuất dự án vay 100 triệu USD cho Đại học Đà Nẵng theo cơ chế cấp phát. Bố trí vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2015- 2020 và 4.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2021- 2025 để ưu tiên giải phóng mặt bằng và đầu tư một số công trình cấp thiết.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không có chuyện tháng 8 tới sẽ khởi công dự án.

"Bao giờ Làng Đại học triển khai thì cũng chưa biết được đâu. Tại vì bây giờ có 2 vấn đề đặt ra: nguồn vốn phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hiện nay cũng vẫn chưa xác định được, chưa cân đối, bố trí được. Vì phải cần khoản kinh phí rất lớn. Thứ 2 là bây giờ cũng chưa có tiền để đầu tư khu tái định cư mà. Chưa có khu tái định cư thì chưa giải tỏa được. Còn việc nhà dân xây dựng ở đó thì sẽ xem xét cụ thể", ông Thanh nói./.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP