Tin địa phương

Người dân Đà Nẵng lo thiếu nước

Những ngày qua, người dân TP Đà Nẵng lại thêm lo lắng khi mùa hè sắp tới lại phải “đi xin” nước sinh hoạt do dự án nhà máy nước Hòa Liên tiếp tục bị hủy thầu…

Tuyên trúng thầu, hủy kết quả thầu rồi lại đấu thầu lại... đang là thực trạng diễn ra tại dự án Nhà máy nước Hòa Liên, TP Đà Nẵng.

Dự án nhà máy nước Hòa Liên bị hủy thầu khiến người dân tiếp tục lo lắng về “an ninh nước sạch” của TP Đà Nẵng.


Người dân tiếp tục “chờ”

Tận mắt chứng kiến cảnh người dân khắp thành phố “nháo nhào” đi tìm nguồn nước sạch để sinh hoạt vào năm 2019 khiến không ít người dân và du khách lo lắng. Tình trạng mất nước sinh hoạt xảy ra tại nhiều khu vực vào giờ cao điểm sử dụng nước, nhất là các hộ dân ở cuối đường dẫn. Với hy vọng dự án Nhà máy nước Hòa Liên triển khai sẽ chấm dứt tình trạng trên nhưng nay dự án vừa bị hủy thầu khiến người dân TP Đà Nẵng càng thêm lo lắng.

Được biết, dự án nhà máy nước Hòa Liên được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 2010 ngày 19/12/2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng. Ngày 7/8/2019, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Mục tiêu đầu tư là xây dựng nhà máy nước có công suất 120.000m3/ngày để cung cấp bổ sung nguồn nước sạch của thành phố Đà Nẵng. Dự án này được UBND thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình DD&CN là đơn vị điều hành dự án.

Câu chuyện mời thầu, trúng thầu không dừng ở đó, mà sau khi công bố đơn vị trúng thầu thì một số doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị gửi Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng Ban Quản lý dự án chưa minh bạch trong thực hiện các bước đánh giá lựa chọn nhà thầu.

Thế nhưng không biết vì lý do gì, ngày 17/01/2020 Ban Quản lý dự án lại ra thông báo hủy kết quả trúng thầu trên và tổ chức đấu thầu lại. Chỉ trong thời gian 04 ngày sau khi thông báo hủy kết quả trúng thầu trước, ngày 21/01, Ban Quản lý dự án tiếp tục lại đăng thông báo mời thầu rộng rãi gói thầu trên.

Như vậy, dự án Nhà máy nước Hòa Liên sẽ tiếp tục bị dời lại ngày triển khai. Người dân TP chưa biết khi nào thoát khỏi cảnh gồng gánh đi hứng nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô?

Doanh nghiệp “nản”

Xung quanh câu chuyện đấu thầu dự án tạo nguồn nước sinh hoạt của TP Đà Nẵng khiến không ít người nhớ lại công tác điều hành “tiền hậu bất nhất” của chính quyền TP. Câu chuyện Công ty Thép Dana Ý, Công ty CP Vipico... gửi đơn lên TAND TP Đà Nẵng khởi kiện lãnh đạo TP.Đà Nẵng mới đây chưa lắng xuống.

Cảnh “đi xin” nước để phục vụ sinh hoạt là nỗi ám ảnh của người dân TP Đà Nẵng trong năm 2019.

“Cực chẳng đã doanh nghiệp mới buộc phải kiện UBND thành phố ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo pháp luật, mà không còn đường nào khác. Và vấn đề “nguy hại” hiện nay khiến tình hình hết sức căng thẳng là niềm tin của các nhà đầu tư nghi ngại về môi trường đầu tư của thành phố và cách hành xử của chính quyền đối với doanh nghiệp”, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý băn khoăn.

Quay trở lại câu chuyện đấu thầu dự án nhà máy nước Hòa Liên, trong trường hợp khi các đơn vị đã trúng thầu khởi kiện, nhà thầu có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng cuộc thầu. Và nếu Tòa đồng ý thì người dân Đà Nẵng khó thoái khỏi cảnh khan hiếm nước sinh hoạt dài dài.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến việc đại diện chính quyền TP Đà Nẵng bất ngờ hủy thầu dự án nhà máy nước Hòa Liên, Luật sư Phạm Văn Thanh (Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh) khẳng định: “lý do huỷ gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình (EPC) thuộc Dự án Nhà máy nước Hoà Liên là do tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đây là trách nhiệm của Chủ Đầu tư quy định tại Khoản 10 Điều 74 Luật Đấu thầu 2013”.

Theo luật sư Phạm Văn Thanh, điều đáng nói ở đây, thứ nhất là gói thầu này đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu từ tháng 9/2019. Để có được kết quả lựa chọn, nhà thầu phải thông qua việc thẩm định, việc kiểm tra, đánh giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Chủ Đầu tư đã thông qua việc thẩm định để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bây giờ lại huỷ kết quả thì ai là người chịu trách nhiệm?

Thứ hai, từ khi có kết quả lựa chọn nhà thầu (9/2019) đến tháng 01/2020 mới có thông báo huỷ kết quả lựa chọn nhà thầu, thời gian gần 04 tháng là không phù hợp với quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Nguyên tắc của việc đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và đảm bảo hiệu quả kinh tế. Trong trường hợp này, nhà thầu đã trúng thầu có quyền kiến nghị để yêu cầu Chủ Đầu tư giải quyết hoặc thực hiện thủ tục khởi kiện vụ việc để yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại Điều 91 Luật Đầu thầu”.

Tác giả: Hương Thu

Nguồn tin: Báo Diễn đàn doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP