Bạn cần biết

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn bánh chưng không, cần lưu ý gì?

Với người bệnh đái tháo đường, việc ăn Tết sao cho vui mà vẫn khỏe thực sự không dễ dàng, vì nhiều món ăn truyền thống không tốt cho sức khỏe của người bệnh.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, với người mắc bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát chế độ ăn là một phần rất quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường.

Ngoài việc ăn kiêng, bệnh nhân cần ăn uống đúng giờ, ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh việc đường huyết tăng cao sau khi ăn, hay đường huyết tụt quá thấp do khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài.

Người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý chế độ ăn uống những ngày Tết (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, phẩm ngày có nhiều chất bột đường như bánh chưng, bánh tét, bánh tráng, bún, củ kiệu, dưa hành, mứt, trái cây… và nhiều chất béo như thịt kho tàu, giò thủ, lạp xưởng, chả lụa, các món chiên xào đều tiềm ẩn nguy cơ cho bệnh nhân đái tháo đường.

Nếu không biết cách chọn lựa món ăn, kiểm soát số lượng ăn vào, cũng như giữ ổn định lịch sinh hoạt, đường huyết có thể xuống thấp hoặc tăng cao, khiến người bệnh rơi vào hôn mê phải nhập viện.

Vì thế, vị chuyên gia khuyến cáo những thực phẩm mà người tiểu đường cần tránh trong ngày Tết:

- Các thực phẩm giàu chất đường hấp thu nhanh như bánh chưng, bánh tét, xôi chè, bánh mứt kẹo, hoa quả sấy khô (mít khô, vải khô, nhãn khô…).

- Những thực phẩm giàu chất béo: thịt mỡ, thịt đông, giò thủ, nội tạng động vật, các món xào rán…

- Nên hạn chế rượu vì rượu có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.

TS Sơn cho biết thêm, các thực phẩm sau cũng cần hạn chế: cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, các loại khoai (khoai lang, khoai mì...), bánh quy, trái cây ngọt,...

"Thực tế, người bệnh vẫn có thể ăn xôi, bánh chưng nhưng lưu ý chỉ ăn vừa đủ, giữ lượng chất bột đường ổn định trong các bữa ăn, không nên ăn nhiều. Nếu ăn 1 phần 8 chiếc bánh chưng, non nửa bát xôi thì lượng tinh bột tương đương với khi ăn 1 lưng bát cơm tẻ", Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay.

Người bệnh đái tháo đường có thể ăn bánh chưng nhưng với lượng vừa đủ (Ảnh minh họa)

Tương tự, các món ăn như măng, chả, giò xào, thịt đông có nhiều chất béo, nên ăn số lượng vừa phải.

Trong một ngày, người mắc đái tháo đường có thể uống khoảng 200ml bia (nửa lon bia), hoặc 70ml rượu vang (1 ly rượu nhỏ) hoặc nếu uống rượu nếp tự nấu hoặc rượu mạnh như Vodka 40 độ cồn, thì chỉ có thể uống khoảng 1 chén con 30ml. Lưu ý rằng đây là số lượng trong một ngày, cho nên nếu uống nhiều lần thì người bệnh phải chia nhỏ số lượng.

Người bệnh chỉ uống rượu bia sau khi đã ăn được một lúc. Nếu uống rượu bia khi say sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Tuy nhiên, để an toàn nhất người bệnh nên tránh hoàn toàn bia rượu.

Người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, bánh mì đen, bánh mì nguyên cám; các loại rau không chứa tinh bột: cà chua, cà rốt…; các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi… Ăn nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc không chỉ cung cấp cho cơ thể một lượng đường hấp thu chậm mà còn cung cấp chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Theo Viện Dinh dưỡng, ngày Tết thường coi là thời gian nghỉ ngơi, tuy nhiên người bệnh cần tránh rơi vào trạng thái kém vận động, nên duy trì các hoạt động thể lực ở mức có thể như đi bộ khi thăm hỏi, chúc Tết, hoặc tận dụng thời gian chú ý vận động.

Ngược lại, đối với một số người, ngày Tết lại bị vận động nhiều quá như lễ chùa… Lúc đó, chúng ta nên ăn đủ và có thể ăn nhiều hơn một chút, mang theo thức ăn phòng bị hạ đường máu, những thực phẩm phòng hạ đường máu có thể là hoa quả, bánh kẹo, hoặc hộp sữa.

Tác giả: Thúy Ngà

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP