Bạn cần biết

Ngủ kiểu này có nguy cơ mắc tiểu đường cực cao, bất chấp chế độ ăn lành mạnh

Nhiều người cho rằng chỉ cần có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là tránh xa được bệnh tiểu đường. Trên thực tế, ngủ không đúng cách cũng có thể khiến bạn mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Sự xuất hiện của bệnh tiểu đường có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống hàng ngày. Nhiều người cho rằng chỉ cần kiểm soát chế độ ăn uống thì nguy cơ mắc bệnh có thể giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không chỉ liên quan đến chế độ ăn uống mà còn liên quan đến giấc ngủ. Dù một số người có ăn uống lành mạnh đến mấy thì nguy cơ mắc tiểu đường vẫn cao.

Liệu có bệnh tiểu đường do ngủ?

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học của Mỹ vào tháng 3/2024 đã chỉ ra rằng sự phát triển của bệnh tiểu đường không chỉ liên quan đến chế độ ăn thiếu lành mạnh mà còn liên quan trực tiếp đến giấc ngủ. Hơn nữa, chế độ ăn lành mạnh không thể bù đắp được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do giấc ngủ gây ra. Nói cách khác: Một số người dù ăn uống có lành mạnh đến đâu, nhưng nếu ngủ không đủ thì vẫn dễ mắc tiểu đường.

Nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu từ hơn 240,000 người trong độ tuổi từ 38-71, với độ tuổi trung bình là 55.9 và 52.3% là phụ nữ. Dựa trên thời gian ngủ và mức độ ăn uống lành mạnh của họ, người ta tiến hành phân tích dữ liệu. Trong thời gian theo dõi kéo dài 12,5 năm, tổng cộng có 7.905 người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Giấc ngủ có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Ảnh minh họa: Internet



Sau khi loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng như tình trạng sức khỏe cơ bản, lối sống và tiền sử bệnh mãn tính, nghiên cứu đã phát hiện ra:

"Thiếu ngủ" có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, và thời gian ngủ càng ngắn thì nguy cơ càng tăng.

Chế độ ăn lành mạnh "không thể bù đắp" được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 do thiếu ngủ.

Những người ngủ như thế này có nguy cơ mắc tiểu đường cao

Người ngủ ít hơn 6 tiếng

Nghiên cứu trên cho thấy những người ngủ từ 3-6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn mặc dù họ có chế độ ăn uống lành mạnh. Theo phân tích, thiếu ngủ làm giảm độ nhạy insulin của tế bào.

Dựa trên bằng chứng nghiên cứu hiện tại, ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 ở những người thiếu ngủ.

Người ngủ ngáy

Một số người ngáy liên tục khi ngủ và cảm thấy chóng mặt sau khi thức dậy. Đây không phải dấu hiệu của giấc ngủ ngon mà là triệu chứng kinh điển của hội chứng ngưng tở khi ngủ.

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể là yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2. Nó có liên quan đến việc kiểm soát đường huyết kém và các biến chứng mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thì có nguy cơ măc tiểu đường cao hơn người bình thường bởi tình trạng kháng insulin có mối tương quan chặt chẽ với mức độ nghiêm trọng của hội chứng này.

Muốn phòng bệnh tiểu đường, ngoài một chế độ ăn lành mạnh, bạn còn phải có một giấc ngủ tốt. Ảnh minh họa: Internet


Người ngủ muộn và dậy muộn

Mọi người thường thắc mắc, sự khác biệt giữa việc đi ngủ sớm và dậy sớm, đi ngủ muộn và dậy muộn là gì nếu họ ngủ cùng một khoảng thời gian? Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy người đi ngủ muộn và dậy muộn có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn (tăng 72%) so với người đi ngủ sớm và dậy sớm.

Nguyên nhân là ngủ muộn và dậy muộn gây mất cân bằng sinh học. Rối loạn điều hòa sinh học xảy ra khi nhịp sinh học (bao gồm chu kỳ ngủ-thức, tiết hormone, điều hòa nhiệt độ cơ thể và trao đổi chất) không đồng bộ với các yếu tố vật lý bên ngoài (tiếp xúc với ánh sáng, giờ làm việc). Mất cân bằng nhịp sinh học có thể phá vỡ sự cân bằng năng lượng và góp phần phát triển bệnh tiểu đường.

Thói quen ngủ với đèn sáng

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy người ngủ với đèn sáng không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mà còn có thể gây hại cho chức năng tim mạch của chúng ta. Theo nghiên cứu, người ngủ với đèn sáng tăng khả năng kháng insulin vào sáng hôm sau, lượng đường trong máu mất kiểm soát, về lâu dài có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra, những người bật đèn khi ngủ cũng có nhịp tim tăng cao vào ban đêm, điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tim mạch.

Vì vậy, nếu muốn thực sự tránh xa bệnh tiểu đường, ngoài chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày, chúng ta còn phải chú ý đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm: đảm bảo ngủ đủ giấc, đi ngủ sớm và dậy sớm, tắt đèn. Nếu có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp khi ngủ, chúng ta cần điều trị kịp thời.

Tác giả: Bảo Linh (Theo QQ)

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP