Ngôi chùa Sà Lôn (hay còn được biết đến với tên gọi là chùa Chén Kiểu) nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12 km theo hướng về Bạc Liêu.
Ảnh: nguyentinh |
Nhìn từ xa, du khách đã vô cùng thích thú vì chùa có kiến trúc lạ cùng sự hài hòa, đan xen của vô vàn các mảng màu rực rỡ. Đến khi tiến lại gần, người ta càng bất ngờ hơn khi biết chùa được ốp hoàn toàn từ chén, đĩa, tạo thành một kiểu trang trí không lẫn vào đâu.
Ảnh: bangpnk |
Năm 1815, chùa được dựng bằng cây lá, đặt tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Trong thời gian chiến tranh, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng do sức tàn phá của bom đạn. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh,…
Tuy nhiên vào thời điểm đó, do khan hiếm vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến vận động bà con quyên góp chén, đĩa bằng sứ (địa phương gọi là đồ kiểu), đem ốp lên tường hành lang, cầu thang và nhiều nơi khác. Cũng từ đó, chùa còn được người dân xung quanh gọi là chùa Chén Kiểu.
Ảnh: pinkyy.cloud |
Với bàn tay tài hoa của các nhà sư người Khmer, hàng ngàn chiếc chén, đĩa đã được ốp lên một cách khéo léo. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên nét đặc trưng riêng có của một điểm du lịch tại đồng bằng Sông Cửu Long.
Ảnh: nguyen_thu1011 |
Đến với chùa Chén Kiểu, ấn tượng đầu tiên của du khách chính là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao đặt trước cổng, mặt hướng ra đường như đang làm nhiệm vụ bảo vệ. Trên cổng chùa có 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn rực rỡ, mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.
Ảnh: andrewquocan |
Ảnh: harom90 |
Như hàng trăm ngôi chùa khác của đồng bào Khmer, điểm nhấn của chùa Sà Lôn là tòa chánh điện lộng lẫy. Công trình này được xây dựng theo kiến trúc tam cấp, nghĩa là 3 mái lợp ngói đỏ, nhỏ dần bên trên. Tường bao quanh chánh điện cũng được trang trí bằng chén đĩa rất đẹp mắt.
Phía trong gian chánh điện, cùng với không khí trang nghiêm là khoảng 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế tọa thiền khác nhau. Xung quang tường là những bức tranh vẽ kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, từ khi người sinh ra cho đến khi đắc đạo.
Ảnh: nguyen_thu1011 |
Khi vào trong chùa, du khách sẽ càng ngạc nhiên hơn bởi toàn bộ trần nhà, các bức tường, vật trang trí như bình hoa, họa tiết rồng, cột chính… đều được làm từ sứ đủ màu sắc. Tất cả được tạo nên từ khoảng 9.000 bát, đĩa nguyên vẹn và những mảnh vỡ sành sứ.
Ảnh: ngobaoloc |
Nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát.
Để mở rộng quy mô chùa, năm 2013, sư trụ trì Lâm Chanh đã cho xây thêm một ngôi chánh điện tương đương với chánh điện cũ, mục đích để có thêm phòng học cho các thiếu niên trong tỉnh đến tu học. Để hoàn thành việc trang trí công trình này, các nhà sư đã phải sử dụng đến 10 tấn chén đĩa.
Ảnh: nguyentinh |
Điểm thu hút của chùa Sà Lôn không chỉ là cách trang trí độc đáo mà còn vì những vật quý mà chùa sở hữu, đó là cặp giường nóng, lạnh có nguồn gốc từ gia đình công tử Bạc Liêu.
Năm 1947, gia đình gia đình công tử Bạc Liêu gặp biến cố phải di cư nên nhiều đồ vật quý hiếm bị thất lạc, trong đó có hai chiếc giường “thần kỳ”. Chiếc giường lạnh rơi vào tay thực dân Pháp. Đến năm 1956, sư trụ trì lúc đó tình cờ bắt gặp và phải trả đến 6000 đồng, tương ứng với hơn 2000 giạ lúa để mua.
Ảnh: kenhdulichxuyenviet |
Bốn năm sau, chiếc giường nóng cũng được một phật tử khá giả mua về cúng chùa. Tuy là vật quý hiếm nhưng sư cả cho biết, đây là tài sản chung của chùa nên mọi người đều có thể sử dụng và cẩn thận giữ gìn.
Mỗi chiếc giường được cẩn xà cừ với số lượng lớn và tinh xảo, nhiều họa tiết điêu khắc tỉ mỉ đến mức độ hoàn hảo. Chiếc giường nóng được làm bằng gỗ giáng hương nên giữ hơi ấm rất tốt, mùa đông nằm không cảm thấy lạnh. Còn chiếc giường lạnh được làm bằng đá cẩm thạch, mùa hè nằm mát vô cùng.
Ảnh: phile2506 |
Hiện nay, chùa Sà Lôn trở thành điểm đến tâm linh được nhiều người dân trong vùng yêu thích, kể cả các bạn trẻ. Du khách đến đây để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, lễ Phật và tận hưởng những giây phút tịnh tâm trong lòng.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí