Tin địa phương

Nghị quyết 43-NQ/TW: Tạo đột phá cho Đà Nẵng

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết 43) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á

15 năm: phát triển ấn tượng

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX năm 2003 về “Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho thấy, Đà Nẵng là thành phố đi đầu phát triển nhanh và ấn tượng. Nổi bật là kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tương đối nhanh cả về quy mô và tốc độ, làm gia tăng nhanh nguồn thu ngân sách, tăng thu nhập bình quân đầu người và nhiều công ăn việc làm mới được tạo ra.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong 15 năm qua thành phố luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức thu ngân sách do Nhà nước giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 188.740 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm.

Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng hiện đại “Dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”. Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 46,7% năm 2003 lên 57,9% năm 2018, công nghiệp - xây dựng giảm từ 34,6% xuống 28,5% và nông nghiệp giảm từ 3,6% xuống 1,6% (ngoài ra còn có nhân tố thuế sản phẩm giảm từ 15,1% năm 2003 xuống 12% năm 2018 theo phương pháp thống kê mới).

Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xếp thứ nhất giai đoạn 2013-2016, xếp thứ 2 năm 2017; Chỉ số cải cách hành chính (Par index) xếp thứ nhất giai đoạn 2012-2016, xếp thứ 4 năm 2017; Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) dẫn đầu 9 năm liên tiếp 2009-2017.

Bên cạnh đó, tiềm năng và thế mạnh của các thành phần kinh tế ngày càng được phát huy. Đà Nẵng đã hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển khá mạnh mẽ, dần trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đến nay, Đà Nẵng có 22.040 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký đạt 110,4 ngàn tỷ đồng…

Tạo dựng vị thế mới từ Nghị quyết 43

Những thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 là rất rõ nét. Xuất phát từ nhu cầu phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao là cơ quan thường trực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng triển khai xây dựng đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW để ban hành một Nghị quyết mới. Trên cơ sở kết quả của đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43/2019-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 43 được đánh giá là 1 Nghị quyết đột phá cho Đà Nẵng, không những định hướng chiến lược phát triển mà còn cả đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế có tính chất mở đường; đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Nghị quyết 43 cũng đã xác định mục tiêu rõ hơn, cụ thể hơn so với Nghị quyết 33. Trong đó nhấn mạnh, Đà Nẵng phải đặt nặng Trung tâm đổi mới sáng tạo. Các điều kiện của Đà Nẵng rất thuận lợi cho việc phát triển bên cạnh Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 43 xác định rõ về hướng đi trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh; mức sống của người dân thuộc loại dẫn đầu cả nước (qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 thì Đà Nẵng chưa đạt yêu cầu này, trong khi thành phố đáng sống phải đạt được yêu cầu đó). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu được nêu rõ hơn (vấn đề năng lực cạnh tranh, xóa đói giảm nghèo…) đạt được như thế nào, đều rất đầy đủ, cụ thể.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Bộ Chính trị đưa ra rất rõ, phải xây dựng nguồn nhân lực như thế nào; thử nghiệm những mô hình mới ứng dụng kinh tế số ra sao (trong khi Nghị quyết 33 nhấn mạnh về du lịch). Điểm mới khác về nhiệm vụ, giải pháp là phải phát triển thành trung tâm kinh tế biển và chuỗi cung ứng logistic…

Một điểm mới quan trọng là phải thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực. Đồng thời, nhấn mạnh vào phát triển nhân lực, các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các lĩnh vực mũi nhọn...

Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cơ bản là phải có cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Về chủ trương là có và phải phân cấp phân quyền. Đồng thời, đồng ý xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất ở Đà Nẵng theo mô hình tiên tiến hiện đại; xây dựng Đề án thí điểm mô hình tiên tiến hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.

Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng với những điểm mới nổi bật ngay từ quan điểm xây dựng Nghị quyết đến mục tiêu, tầm nhìn và các giải pháp, nhằm vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố trong thời gian tới đây.

Nghị quyết mới 43-NQ/TW xác định rõ ràng 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố:

Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghĩ dưỡng (không phải du lịch nói chung);

Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics;

Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp;

Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số;

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Tác giả: Thanh Nhung

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP