Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực - Ảnh: H.KHÁ |
Theo đó, sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Cơ chế bứt phá
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Ngoài ra, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cho Đà Nẵng xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của TP và quy định của pháp luật.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - cho biết: "Việc Bộ Chính trị đồng ý cho xây dựng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện đặc biệt cho Đà Nẵng "cất cánh" là một chủ trương hết sức kịp thời trong bối cảnh hiện nay.
Nói vậy bởi TP Đà Nẵng có rất nhiều khác biệt so với các địa phương khác từ vị trí địa lý, không gian và phạm vi đô thị, trong khi đó định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành TP hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nên đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù, sự khác biệt về chính sách để cho Đà Nẵng bứt phá.
Tuy nhiên việc cần làm ngay là nhanh chóng nghiên cứu xây dựng, hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị, để các cơ chế đặc thù sớm được áp dụng trong thực tiễn phát triển của Đà Nẵng. Theo tôi, cần cho phép TP tự chủ và phân bổ về biên chế, con người làm việc trong bộ máy hành chính để phù hợp với mô hình quản lý đô thị, thế mạnh ở từng lĩnh vực.
Ngoài ra, cơ chế trả tiền lương phải vượt trội hơn chứ không theo hệ số chung như hiện nay để thu hút nhân tài, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang có. Tất nhiên nguồn tiền chi trả lương, chính sách vượt trội đó phù hợp nguồn ngân sách của TP".
Xin một số cơ chế thông thoáng hơn
Trong khi đó, tiến sĩ Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, cho biết TP Đà Nẵng sẽ xin một số cơ chế thông thoáng hơn trong thu hút đầu tư, chính sách đất đai để hỗ trợ nhà đầu tư.
Cụ thể, về đầu tư trong nước: phân cấp cho TP Đà Nẵng được điều chỉnh nội dung dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của các bộ, ngành trung ương có liên quan.
Thực hiện thẩm tra các công trình cấp I, dự án nhóm B để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Được quy định đối tượng, điều kiện và quyết định chuyển quyền sử dụng đất tại những khu vực đã được đầu tư hạ tầng, phân lô cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Hùng, có cơ chế cho phép TP Đà Nẵng được thực hiện thí điểm trong việc quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha và dự án có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên phù hợp với quy hoạch tổng thể của TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 1-2019 của UBND TP Đà Nẵng, ông Phan Văn Kha - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - đề nghị TP cần có cơ chế đặc biệt, rút gọn thủ tục, tháo gỡ cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt ông Kha nhấn mạnh TP cần có chính sách đất đai thông thoáng, thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin, du lịch giải trí lớn nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của TP.
Hình thành vùng đô thị Đà Nẵng Theo Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; đô thị biển quốc tế..., là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc. Giai đoạn 2021 - 2030: tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045 TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đưa Đà Nẵng trở thành TP sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An; quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Rà soát lại quy hoạch phát triển không gian đô thị; quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng.
|
Tác giả: HỮU KHÁ
Nguồn tin: tuoitre.vn