Ông Võ Tấn Phát ( sinh năm 1964, trú tại tổ dân phố 63, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) kể về hoàn cảnh của mình.
Sinh ra trong thời chiến tranh, mới 1 tuổi, ông Phát đã mồ côi cha. 4 tuổi, ông Phát mồ côi cả cha lẫn mẹ, bởi mẹ ông đã hi sinh khi tham gia kháng chiến. Sau năm 1975, ông Phát được nhận vào trường dành cho trẻ mồ côi là con em liệt sĩ.
Khi mới 4 tuổi, ông Phát đã mồ côi cha mẹ |
Khi lớn lên ra đời, ông Phát mưu sinh bằng nghề sửa xe máy, lấy vợ, có con. Ông bằng lòng với cuộc sống giản đơn mà hạnh phúc đó. Thế nhưng khoảng hơn 20 năm trước, trong lúc chạy thử xe sau khi đã sửa cho khách, ông Phát bị tai nạn giao thông nguy kịch.
“Người ta đã mang tôi bỏ vào nhà xác đến nơi rồi; nhưng có người khẳng định tôi vẫn còn sống khi kiểm tra đồng tử. Các y bác sĩ đã nỗ lực cứu sống tôi và tôi “nhập cư” bệnh viện suốt 4 năm 9 tháng” - ông Phát kể.
Khi ông Phát nằm viện thì vợ ông đã bỏ đi, để lại hai đứa con. Khi ấy đứa con trai lớn mới 6 tuổi, bị bệnh động kinh; đứa con gái nhỏ mới 2 tháng tuổi. Ra viện, ông Phát gắng gượng theo nghề sửa xe với tình hình sức khoẻ đã sa sút nhiều sau tai nạn để nuôi con. Về sau, hai con cũng không ở với ông nữa khi tình trạng sức khoẻ của ông trở nặng.
Khi ông Phát bị tai nạn, vợ ông bỏ đi, để lại một mình ông nuôi hai con nhỏ. Về sau, hai con cũng không ở với ông Phát. |
Hiện ông Phát phải ngồi xe lăn sau một cơn tai biến. Hai chân không đứng vững được. Hai tay không còn đủ sức để sửa xe cho khách mưu sinh. Mắt ông cũng đang yếu dần. Ông lại mắc bệnh tiểu đường nên sức đề kháng rất yếu. Một mình ông Phát phải lủi thủi tự xoay sở mọi sinh hoạt cá nhân và sống tằn tiện với khoản trợ cấp hơn 1,4 triệu đồng mỗi tháng cho con em liệt sĩ. Trong khoản trợ cấp đó, ông Phát đã mất hơn một nửa (ít nhất 700 nghìn đồng mỗi tháng) cho tiền xe cộ đi lại khám chữa bệnh và mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm. Bữa ăn hàng ngày của ông Phát thường chỉ có ổ bánh mì lót dạ buổi sáng để uống thuốc, ăn cơm với rau luộc chấm nước mắm. Cũng có khi bà con lối xóm thương tình hoàn cảnh của ông Phát, mang sang biếu ông ít thịt, cá cải thiện bữa ăn.
Người đàn ông gặp nhiều biến cố bất hạnh này phải tự mình xoay sở mọi việc sinh hoạt trên chiếc xe lăn; và sống tằn tiện với khoản trợ cấp 1,4 triệu đồng mỗi tháng. |
|
Hơn một nừa tiền trợ cấp chi vào việc khám chữa bệnh, thuốc men. Bữa cơm hàng ngày của ông Phát thường là bánh mì và rau luộc. |
Ông Phát trải lòng, ông không trách con cái không ở cùng ông, bởi ông nghĩ rằng mình là người làm cha làm mẹ mà ông đã không lo tròn cho con cái ăn học đến nơi đến chốn trong cảnh nhà quá khó khăn. Hiện tại phải sống một mình, ông Phát đã từng nghĩ mình có thể xin vào ở trung tâm xã hội hỗ trợ người tàn tật, mất sức để không là “gánh nặng” cho ai cả. Nhưng ông chạnh lòng nghĩ thương bàn thờ ông bà, cha mẹ không ai hương khói nên không thể bỏ nhà vào trung tâm ở.
Những lúc bệnh trở nặng, ngặt nghèo, ông Phát chỉ còn biết nương tựa vào những người bạn ngày xưa từng học chung trường dành cho con em liệt sĩ. Mà bạn bè cũng không ai khá giả nên cũng chỉ có thể giúp nhau qua cảnh ngặt nghèo.
Bà Lưu Thị A (58 tuổi, trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) là một trong những người bạn gắn bó với ông Phát từ thuở nhỏ đó kể: “Biết hoàn cảnh của bạn khó như rứa; nên mỗi khi gặp mặt, tôi đều vận động các bạn giúp Phát qua những đận ngặt nghèo, bệnh tình trở nặng quá mà không biết kêu ai, không biết dựa vào đâu. Căn nhà cấp 4 mà Phát đang ở đây cũng là của bạn bè gom góp xây cho bạn có chỗ đi ra đi vào trú mưa trú nắng. Rồi chính quyền địa phương quan tâm cũng hỗ trợ một phần để tô tường, lót gạch lại cho tươm tất.
Lần nào tôi lên thăm Phát cũng chỉ thấy bạn ăn bánh mì, rau luộc sống qua ngày. Tôi là người đã báo bạn viết thư xin người hảo tâm giúp đỡ qua báo Dân trí.
Trong tâm tôi nghĩ, với tình trạng sức khoẻ hiện nay, Phát không còn sống được bao lâu nữa, nên mong sao có người giúp đỡ để cuộc sống của bạn tôi những năm tháng cuối đời đỡ khổ hơn sau bao nhiêu biến cố bất hạnh”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 2994: Ông Võ Tấn Phát (63, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) ĐT: 0919540133 |
Tác giả: Khánh Hiền - Chí Lê
Nguồn tin: Báo Dân trí