Hoa dừa (người dân còn gọi là lưỡi mèo, loại hoa chưa nở) là phần hoa của cây dừa, có rất nhiều tuyến nước mật trong đó. Phần mật này có thể dùng để có vị ngọt rất đậm đà (có độ đường khoảng 14% trong khi nước dừa tươi có độ đường khoảng 4%), chứa nhiều khoáng chất, vitamin và các dưỡng chất khác cần thiết cho sức khỏe con người nên được tiêu thụ rất nhanh và được bày bán trên thị trường như một loại đặc sản.
Tuy nhiên nếu không massage thì tuyến mật sẽ không bị kích thích chảy ra ngoài được, chính vì vậy mà nghề “massage hoa dừa” ra đời. Kỹ thuật mấu chốt nhất của ngành này đó là biết massage hoa dừa đúng cách. Người thợ phải chọn đúng lứa tuổi của hoa để thu mật vì nếu hoa quá non hoặc quá già sẽ không cho ra lượng mật như mong muốn. Hàng ngày, người lao động sẽ leo lên cây dừa hai lần để tổ chức massage và cắt mặt mới để thu mật.
|
Massage hoa dừa để lấy mật là nghề lạ lùng ở Việt Nam, ít người biết tới |
Cụ thể, người thợ sẽ lựa cây dừa xiêm lùn khoảng 4 năm tuổi để lấy mật hoa. Hoa lấy mật phải là những bông to nhất, vừa mọc được 4-5 tuần. Đầu hoa được cắt bỏ đi, chỗ vết thương sẽ bọc lại bằng túi nilon, dùng ghim bấm xung quanh. Túi nilon vừa để chứa mật, vừa có tác dụng ngăn côn trùng, nước, vi sinh vật ảnh hưởng đến chất lượng mật.
Sau khoảng 3 ngày cắt và liên tục "massage" để làm vỡ các mô mạch, mật hoa bắt đầu tiết ra từ vết cắt. Đây là một kỹ thuật, một công đoạn bắt buộc phải thực hiện đối với nghề này, đòi hỏi phải có nghệ thuật, điều chỉnh tay cho phù hợp. Bình quân, một hoa dừa cho khoảng nửa lít mật mỗi ngày và có thể khai thác liên tục trong khoảng một tháng. Như vậy, mỗi cây hoa dừa sẽ cho sản lượng 25 lít. Mật sẽ được đổ vào máy có bồn chứa làm nóng ở nhiệt độ 65-70 độ C, rồi dẫn dung dịch qua bồn làm lạnh khoảng 5 giây để tiệt trùng, sau đó đóng chai.
|
|
Quy trình massage hoa dừa đòi hỏi phải có kỹ thuật, lượng mật thu được phụ thuộc vào kỹ thuật mát xa bông dừa. |
Thực tế nghề lấy mật hoa dừa đã phổ biến tại một số nước nhiều năm qua. Tuy nhiên, các nước bạn như Philippines, Indonesia vốn có diện tích dừa lớn, trồng nhiều như rừng, không quan tâm đến năng suất nhiều, nên việc lấy mật hoa rất bình thường. Tuy nhiên ở Việt Nam, công việc này còn khá mới mẻ và có rất ít người làm.
Anh Phạm Đình Ngãi (ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) là một trong số những người làm nghề “massage hoa dừa” hiếm hoi ở Trà Vinh. Quyết định về quê hương bắt tay nghiên cứu cách làm gia tăng giá trị trái dừa, anh Ngãi tìm tòi, học hỏi về ngành dừa trên thế giới để áp dụng. Trong hơn nửa năm đầu tiên liên tục gặp thất bại, đến hiện tại anh Ngãi đã hoàn thiện quy trình “massage hoa dừa”, không ngừng đẩy mạnh sản xuất và xây dựng nhà máy. Cho đến tháng 9/2019, các sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên mang thương hiệu của người con đất Trà Vinh được giới thiệu và đến tay khách hàng trong nước.
"Mặc dù sản phẩm còn mới, lạ với người tiêu dùng nhưng sản phẩm của chúng tôi chưa bị tồn kho, có lúc tiêu thụ được trên 1.000 chai mật hoa dừa/tháng", anh Ngãi chia sẻ.
Nghề “massage hoa dừa” mang lại giá trị kinh tế cao 3-4 lần so với để trái bán. "Ví dụ, một hoa dừa, tôi có thể thu được 25 lít nước mật tươi, với giá 10 nghìn đồng/lít sẽ kiếm được 250 nghìn đồng nhưng 1 hoa dừa để trái chỉ bán được khoảng 50 nghìn đồng/một chục dừa (12 trái). Ngoài thu nhập tăng gần gấp đôi, trồng dừa lấy mật hoa cũng không cần phải chăm sóc nhiều hay dùng thuốc hóa học, tiết kiệm thêm chi phí", anh Ngãi cho biết thêm.
|
Anh Ngãi và đam mê với nghề massage hoa dừa. |
Hiện xưởng của anh cung cấp hai sản phẩm chính, gồm nước giải khát với thời gian sử dụng 14 ngày và mật hoa cô đặc có thể sử dụng trong 6 tháng. Ngoài thời gian ở nhà máy, anh Ngãi thường đem sản phẩm mật hoa dừa của mình trưng bày giới thiệu tại các lễ hội, hội chợ khắp cả nước, thậm chí là ra nước ngoài. Thời gian qua, cũng rất nhiều doanh nghiệp đã đến tham quan mô hình của anh và mong muốn hợp tác sản xuất, tiêu thụ.
Xưởng chế biến mật hoa của anh Ngãi không chỉ tạo việc làm cho số ít người địa phương, mà còn mở ra một hướng đi mới cho người trồng dừa quanh vùng. Để có đủ lượng nước mật cung cấp ra thị trường (chủ yếu là các cơ sở kinh doanh ở tỉnh Bến Tre, TP.Cần Thơ và TP.HCM), anh Ngãi còn hợp tác với một số thanh niên ở địa phương cùng làm.
Tác giả: HÀ ANH
Nguồn tin: phununews.nguoiduatin.vn