Giáo dục

Ngày nay, thầy cô nào dám sửa những điều chưa đúng, chưa tốt cho học trò?

Đừng để thầy cô đứng lớp phải “sống trong sợ hãi” như những chú cừu non thụ động. Lúc nào cũng phải sợ sệt.

LTS: Gần đây, nhiều vụ việc thầy cô giáo đánh học trò xảy ra khiến một số giáo viên bị sa thải.

Băn khoăn về việc quyết định cho giáo viên nghỉ việc là quá nặng, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng cần có một hình thức kỉ luật nhân văn hơn.

Bởi, xét cho cùng, nếu cứ “đụng” đến học trò là phụ huynh vào trường gây áp lực để nhà trường “buộc thôi việc” giáo viên thì chẳng thầy cô nào dám sửa những điều chưa đúng, chưa tốt cho học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Chỉ trong vòng khoảng một năm trở lại đây có hàng chục giáo viên bị đuổi việc và chỉ riêng tháng 2/2017 này đã có 4 giáo viên mầm non bị sa thải.

Rõ ràng việc một số giáo viên có hành vi đánh học trò không đúng với đạo đức của người thầy mà đôi lúc những hành động đó trở nên phản cảm với xã hội hiện đại.

Song, có một điều mà chúng ta phải thừa nhận là những học sinh chăm ngoan, có ý thức học tập thì không có thầy cô nào phải hành xử như vậy.

Những hành động thiếu kiềm chế của giáo viên đang phải trả những cái giá quá đắt. Nhưng… phía sau của từ “sa thải” hay “đuổi việc” là số phận một con người.

danh hoc sinh
Thầy cô giáo đánh học sinh là trái với quy định nhưng cần có mức kỉ luật hợp lý hơn. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Là một giáo viên, tôi không bênh vực hay bao biện cho một số thầy cô đánh học trò. Bởi đánh học trò thời nay là vi phạm đạo đức nhà giáo. Điều này đã được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lệnh của nhà nước.

Tuy nhiên, có một điều sự thật là giáo viên ngày nay đang rất cô đơn và bơ vơ khi đảm nhận thiên chức người thầy.

Mỗi ngày hàng trăm học trò, hàng trăm cá tính khác nhau nhưng không có được một cái “quyền” gì dù là nhỏ nhất.

Trong các qui định về các hình thức kỉ luật đối với cán bộ giáo viên ngày nay đã thể hiện rõ bản chất của vấn đề. Lãnh đạo có sai sót vẫn có cơ hội sửa chữa, học sinh vô lễ, thậm chí là đánh thầy cô vẫn được bảo vệ.

Nhưng, giáo viên sai sót là… đuổi việc ngay tức khắc bởi áp lực của dư luận mà nhiều lãnh đạo của ngành cũng như lãnh đạo địa phương thường chọn giải pháp đuổi việc cấp dưới của mình để… chấn an dư luận!

Trong Thông tư số 08 của Bộ Giáo dục về hướng dẫn việc khen thưởng kỉ luật học sinh có 5 hình thức kỉ luật gồm:

Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.

Như vậy, những học sinh dù vi phạm đến đâu thì cũng không thể đuổi học vĩnh viễn đối với các em.

Đối với cán bộ, giáo viên khi bị kỉ luật thì áp dụng theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP. Các hình thức kỉ luật đối với lãnh đạo gồm 6 mức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Chính vì có nhiều mức kỉ luật như thế này nên khi các lãnh đạo của ngành giáo dục mắc vi phạm thì rất hiếm bị buộc thôi việc bởi nó trải qua rất nhiều khâu, nhiều bước và liên quan trực tiếp tới nhiều cấp quản lí.

Vì thế, mới có chuyện các Hiệu trưởng sau khi vi phạm thì được chuyển về Phòng Giáo dục hay chuyển công tác sang trường khác, rất hiếm lãnh đạo khi bị kỉ luật xuống làm giáo viên hay bị đuổi việc.

Thế nhưng, đối với giáo viên thì chỉ áp dụng các 4 hình thức kỉ luật là: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.

Vậy nên, khi chỉ cần thiếu kiềm chế đánh học trò là thường áp dụng ở mức cao nhất là buộc thôi việc và được xử lí rất nhanh chóng. Hàng loạt giáo viên bị sa thải trong thời gian vừa qua đã minh chứng rõ cho điều này.

Chuyện đuổi việc một thầy cô giáo vi phạm ra khỏi ngành không phải là một chuyện khó khăn.

Bởi, khi họ vi phạm thì dư luận lên tiếng, các lãnh đạo ngồi với nhau và bàn xét hình thức kỉ luật.

Nhất là bây giờ có rất nhiều các trường tư thục, họ có một cái quyền tuyệt đối trong việc tuyển dụng hay sa thải một con người.

Bởi, đuổi việc giáo viên thì tuyển giáo viên khác (sinh viên sư phạm thất nghiệp rất nhiều) nhưng nếu để một giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ “mất uy tín” cho nhà trường và khó tuyển sinh nên họ sẵn sàng đứng về phía phụ huynh để hướng tới mục đích lâu dài.

Và, hình thức sa thải giáo viên đã hướng được tới 2 mục đích rõ ràng.

Có một điều người viết cứ băn khoăn và đi tìm câu trả lời cho những thầy cô từng bị buộc thôi việc. Tại sao không cho họ cơ hội để sửa những lỗi lầm.

Trong nhà trường đâu chỉ mình dạy lớp, nếu như khi bị vi phạm thì cấp trên có thể xếp họ làm nhân viên nhà trường chẳng hạn. Đây cũng là một hình thức kỉ luật nhưng nó sẽ thể hiện tính nhân văn.

Vừa không để những thầy cô bị vi phạm hẫng hụt, xấu hổ, tuyệt vọng khi mất việc mà đó cũng là cơ hội để họ phấn đấu để chuộc lại lỗi lầm mà cũng tạo cơ hội cho họ có cuộc sống để họ có thể có thời gian đi tìm công việc khác (nếu họ muốn).

Tại sao cùng hoạt động, cùng làm việc trong một môi trường giáo dục mà lãnh đạo được tạo cơ hội, học sinh được tạo cơ hội để sửa chữa mà giáo viên lại không được phép sai sót?

Đã là con người thì dù cố gắng đến bao nhiêu cũng phải có những lúc có những phút thiếu kiềm chế bản thân.

Gặp phải học sinh như ở Hậu Giang vừa rồi vừa thách thức và đánh lại thầy giáo chủ nhiệm của mình thì mấy ai đủ bình tĩnh để ứng xử phù hợp?

Nên chăng, chúng ta cũng nên có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với áp lực của thầy cô giáo trong quá trình đứng lớp hiện nay.

Xét đến tận cùng bản chất thì phần lớn thầy cô đánh học trò cũng hướng tới mục đích giáo dục là giúp các em nhìn nhận ra những hành động chưa đúng để tiến bộ và trưởng thành.

Phía sau từ “sa thải’ là số phận một con người.

Nếu thầy cô nào cũng du di, ề à bỏ qua hoặc kệ mặc học trò tự tung, tự tác trong giờ học, mặc kệ nhân cách, đạo đức của học trò đến đâu thì đến thì tôi tin rằng không có thầy cô nào “đụng” đến học trò làm gì.

Có những lời răn dạy cứng rắn, có những hành động nghiêm khắc biết đâu lại giúp học trò trưởng thành.

Còn, cứ “đụng” đến học trò là phụ huynh vào trường gây áp lực để nhà trường “sa thải” hay “buộc thôi việc” giáo viên thì rõ ràng chúng ta đang bắt thầy cô thỏa hiệp cùng cái xấu, cái chưa đẹp của học trò.

Đừng để thầy cô đứng lớp phải “sống trong sợ hãi” như những chú cừu non thụ động. Lúc nào cũng phải sợ sệt. Sợ Ban Giám hiệu, sợ thanh tra, sợ sự thật, sợ phụ huynh và sợ cả học trò.

Thử hỏi thầy cô vừa dạy vừa đề phòng như thế thì hỏi sao hàng ngày chúng ta càng chứng kiến nhiều cái ác, cái xấu xảy ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP