Học phí đại học từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi năm sẽ chẳng đáng là bao đối với các gia đình khá giả. Nhưng đối với con nhà nghèo, đó là cả một gánh nặng lớn, bên cạnh hàng loạt khoản tiền khác cho đời sống sinh hoạt của một sinh viên suốt 4 năm.
Trẻ con nông thôn thường thua thiệt về điều kiện học tập, sinh hoạt nhưng bù lại được tiếng là ngoan ngoãn, chăm học. Tôi còn nhớ năm cuối lớp 12, trong khi nhiều bạn học còn lưỡng lự chọn trường thì tôi cùng nhóm bạn thân của mình quyết tâm chọn nghề giáo, bởi chúng tôi đều nghèo và học Sư phạm thì sẽ được miễn học phí.
Lớp Văn của chúng tôi đa phần là học sinh nghèo. Có bạn phải đạp xe đạp hai chục cây số đến trường từ lúc 4 giờ sáng. Có bạn sơ ý mất chiếc xe đạp cũng chẳng có đủ một trăm nghìn mua lại chiếc xe cũ của người ta. Có bạn lại học một buổi và long đong chạy bàn quán cà phê kiếm tiền…
May mắn cho chúng tôi là gánh nặng tiền trường vơi đi hơn phân nửa bởi chẳng đóng đồng nào cho học phí. Chính cái chính sách nhân văn ấy đã giúp chúng tôi đi hết quãng đời sinh viên bớt nhọc nhằn hơn.
Giả sử thời ấy không được miễn học phí, có lẽ tôi đã chọn một học một nghề nào đó để nuôi thân, thay vì đeo đuổi giấc mơ “gõ đầu trẻ” trong khi kinh tế gia đình lại cực kỳ khó khăn. Giả sử thời ấy không được miễn học phí, có lẽ giấc mơ “gõ đầu trẻ” của không ít bạn đã bị “đứt gánh giữa đường”. Cảm ơn một chính sách nhân văn như thế đã làm thay đổi nhiều tương lai, nhiều số phận.
Thế hệ ấy giờ đây đã trở thành những thầy cô giáo có thâm niên hơn chục năm đứng lớp, gắn bó với nghề và yêu nghề từ lúc nào chẳng biết. Mỗi ngày đến lớp, chúng tôi gặp lại hình ảnh mình ngày xưa trong các em học sinh hôm nay.
Nhiều em học khá giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ sợ không đeo đuổi việc học đến hết phổ thông. Vậy là lời động viên của chúng tôi bỗng có sức nặng hơn khi cổ vũ, khuyên nhủ các em cố gắng bước tiếp hành trình học tập và gieo vào trong em giấc mơ bục giảng phấn trắng bởi học Sư phạm được miễn học phí.
Có một thời gian dài nước ta thiếu giáo viên, tình trạng tuyển dụng đầu vào thấp gây ra nhiều lo ngại về chất lượng đội ngũ. Từ khi chính sách miễn học phí cho sinh viên Sư phạm được thực thi, sự cạnh tranh đầu vào đã được khởi động mạnh mẽ. Cuộc đua vào trường Sư phạm càng gay gắt, cơ hội tuyển dụng và đào tạo giáo viên giỏi tương lai càng cao.
Giờ đây, bức tranh tuyển sinh ngành Sư phạm đang ngày càng u ám, nhất là khi tình trạng “vơ bèo vạt tép” thí sinh đến mức 3 điểm mỗi môn vẫn có cơ hội vào trường thì người ta lại bắt đầu cân đo đong đếm hiệu quả của chính sách miễn học phí ngành Sư phạm.
Tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến cho rằng vì chính sách miễn học phí mà sinh viên Sư phạm mất động cơ học tập. Lẽ ra chúng ta phải hiểu theo chiều hướng ngược lại, nghĩa là nhờ được miễn học phí, sinh viên sẽ càng trân trọng hơn cơ hội được học tập. Và khi một sinh viên đã vào trường Sư phạm, cái quyết định động cơ học tập chính là lòng yêu nghề giáo và ý thức rèn luyện bản thân.
Tôi lại càng không đồng tình với ý kiến cho rằng bỏ chính sách miễn học phí sẽ tạo ra sự công bằng giữa các ngành nghề, tăng sức cạnh tranh đầu vào với nghề giáo. Bởi tình trạng trường Sư phạm bị sĩ tử “ngó lơ” thời gian qua không nằm ở chính sách miễn học phí.
Bài toán thu hút người tài về cho trường Sư phạm cần tìm lời giải ở thực trạng trường, khoa Sư phạm mở tràn lan, nạn thất nghiệp đầy ám ảnh, chế độ đãi ngộ nhà giáo eo hẹp và cả những thay đổi trong cái nhìn của dư luận về nghề giáo. Tôi nghĩ chính sách miễn học phí ấy là chất keo cuối cùng để níu chân những học sinh khá giỏi.
Xin đừng vội bỏ đi một chính sách nhân văn như thế, bởi học sinh của tôi vẫn đang nhìn về trường Sư phạm vì yêu nghề giáo và còn vì được miễn học phí.
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí