|
Biện pháp giảm giá sách “khá khả thi”
Phát biểu tại hội trường tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 2/6, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu gần đây cử tri rất quan tâm khi giá bán sách giáo khoa (SGK) tăng, trong khi cuộc sống của số đông người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, phần đông dư luận đều cho rằng, việc tăng giá tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thuộc hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga tán thành với các giải pháp được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra trong phiên họp hôm qua (chiều 1/6), với các biện pháp giảm giá sách “khá khả thi”.
Đại biểu đề nghị Chính phủ căn cứ vào báo cáo của Bộ GD&ĐT sớm có những biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu. Đồng thời, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân và tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Bà Nga cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc đó, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy và điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, cử tri rất quan tâm khi giá bán sách giáo khoa tăng. |
Đại biểu đoàn Hải Dương bày tỏ: “Hiện nay số lượng đầu SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều. Trong đó, có những cuốn mang tính chất là sách tham khảo. Nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào”.
Nữ đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện SGK dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo đại biểu, với sự đầu tư ấy học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ gánh nặng cho kinh tế các gia đình vùng khó khăn.
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Ông Thành cho hay: “Phải đưa SGK vào danh mục quản lý giá, theo hướng bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế xã hội của người dân”.
Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo các trường tăng cường công tác truyền thông để nhân dân phụ huynh học sinh hiểu là SGK có 2 loại. Cụ thể là sách bắt buộc học sinh phải có để học và loại bổ trợ tham khảo không bắt buộc phải mua.
ĐBQH Thái Văn Thành cho rằng sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua. |
Ông Thành cũng cho biết, ngành giáo dục địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình “thư viện sách giáo khoa" trên phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tỉnh Nghệ An dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường; cùng với đó cơ quan chức năng kêu gọi doanh nghiệp, nhà xuất bản tặng SGK cho nhà trường. Ngành giáo dục Nghệ An cũng kêu gọi các em học sinh khóa trước tặng lại SGK để xây dựng thư viện sách.
Theo ông Thành, việc làm này có ý nghĩa giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học. Sách dùng được nhiều lần, tránh lãng phí. Đồng thời, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước.
“Học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo”
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu tranh luận. |
Tranh luận với đại biểu Thái Văn Thành, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng cần nói cho người dân hiểu sách tham khảo không cần đi mua.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Ngay tên sách là “sách tham khảo” người ta đã hiểu là không cần mua. Nhưng, nếu có sách tham khảo bán thì chắc các bố mẹ học sinh vẫn sẽ mua cho con mình bằng bạn bằng bè".
Đại biểu cũng nêu lên vấn đề “sách tham khảo là nguồn lợi lớn cho NXB, vì vậy cần hạn chế tối đa loại sách này".
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết, nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra rằng sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng của mình. “Học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường”, ông Hiếu bày tỏ.
"Việc đổi mới SGK là rất đúng đắn nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những sản phẩm tốt và rẻ hơn, theo thời gian chọn cách làm tường minh và khoa học thì SGK sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình”, đại biểu đoàn Bình Đình nhấn mạnh.
Tác giả: Hoàng Thị Bích
Nguồn tin: nguoiduatin.vn