Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung |
Đề cập đến tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em những năm qua tăng, từ thành thị đến nông thôn, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự băn khoăn về khung hành lang pháp lý chưa bảo vệ được trẻ em được một cách hiệu quả. “Bộ trưởng có suy nghĩ và giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên”, ông Tạo nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề rất bức xúc, hàng năm VN có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành trẻ em. "Đây là con số thống kê nhưng cá nhân tôi cho rằng thực tế có thể cao hơn bởi nhiều trường hợp không báo cáo", ông Dung chia sẻ.
Về khung pháp lý, quy định của pháp luật, ông Dung cho biết, đã có nhiều biện pháp khác nhau, từ việc xử lý kiên quyết, mở đường dây nóng 111, các lãnh đạo cũng có ý kiến đối với các vụ việc cụ thể…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật. Gia đình và nhà trường cũng nên quan tâm, bảo vệ các em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Trước trả lời trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn rằng, đây là vấn đề rất bức xúc, trong báo cáo của các cơ quan tư pháp mỗi năm có hơn 1000 vụ xâm hại tình dục. “Đề nghị bộ cho biết giải pháp mạnh mẽ xử lý vấn đề này. Đề nghị Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm tra cho biết giải pháp để chứng minh có hiệu quả hơn về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em”, bà Nga nêu câu hỏi.
Theo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Tác giả: VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền phong