Trong nước

Cho thuê đất 99 năm: 'Quốc hội đang lắng nghe từng tiếng dân'

Câu chuyện thời gian thuê đất lên tới 99 năm đang bàn thảo để áp dụng tại 3 đặc khu đã nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của dư luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hành lang kỳ họp - Ảnh: B.D

Bên hàng lang kỳ họp Quốc hội sáng 5-6, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chia sẻ với báo chí các vấn đề liên quan.

- Quan điểm của ông đối với câu chuyện thời gian cho thuê đất 99 năm như thế nào?

Tôi sẽ thể hiện quan điểm bằng cách bấm nút.

- Cụ thể hơn ông có thể nói để bà con cử tri biết quan điểm, suy nghĩ của mình không?

Tôi băn khoăn rằng tại sao lại đặt vấn đề 99 năm? Nhân dân cũng đang đòi hỏi chúng ta là tại vì sao lại phải là 99 năm? Giữa cái quy định của pháp luật hiện tại và câu chuyện 99 năm thì hệ luỵ gì sẽ xảy ra? Cái gì để ngăn chặn các hệ luỵ đó? Cái mà đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, chúng ta đã nhìn thấy, đã có cách gì ngăn chặn mối lo đó chưa?

Đó là cái mà cần phải đặt lên để chúng ta đi đến kết luận cuối cùng. Còn trên truyền thông thì tôi xin phép sẽ không trả lời rằng tôi chọn 70 hay là 99 năm.

"Tôi đang lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân và tôi cũng tin rằng các đại biểu Quốc hội khác cũng đang giống như tôi. Nhưng bà con hãy tin một điều chắc chắn rằng các đại biểu đang rất lắng nghe ý kiến, tâm nguyện của cử tri. Tôi cũng tin rằng đại biểu sẽ làm tròn trách nhiệm đó trước cử tri, trước nhân dân."

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn

- Thực tế thì chuyện làm đặc khu đang được đưa ra như một mô hình thử nghiệm, tạo ra sự đột phá. Nhưng câu chuyện này đã đang tạo sự phản ứng rất lớn của dư luận, vấn đề là 99 năm không phải trọng tâm của Luật Đặc khu. Dư luận có đang hiểu sai và sẽ trở thành lực cản cho sự phát triển hay không?

Tôi nhớ rằng hôm qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trả lời rồi. Câu chuyện của đặc khu không phải nằm ở chỗ 70 hay 99 năm mà nó nằm ở cơ chế ưu đãi trong đặc khu đó. Còn chuyện thời gian đưa ra nó không hề ảnh hưởng tới việc chúng ta có quyết định cho xây dựng hay không.

- Như vậy theo ông thì chúng ta để Luật Đặc khu lại để bàn thêm hay chỉnh sửa điều khoản 99 năm để cho bấm nút ngay tại kỳ họp này?

Tôi cho rằng chúng ta phải nghe ý kiến của dân, của cử tri. Và chúng ta phải thực hiện trọn vẹn vai trò là người đại diện của dân. Quyền lợi của nhân dân, của đất nước phải được đặt lên trên hết.

- Những ngày qua câu chuyện đặc khu đang rất nóng trên mạng, trên báo chí và cả ngoài cuộc sống. Các đại biểu Quốc hội có tiếp nhận được sức nóng đó không và tiếp nhận qua kênh nào?

Tôi có rất nhiều kênh để nghe ý kiến của cử tri. Cử tri gửi mail, gọi điện, rồi nhắn tin, bày tỏ suy nghĩ thông qua văn phòng của tôi.

- Thông tin về thời gian cho thuê đất 99 năm đưa ra được coi như là một "tuyên ngôn" với các nhà đầu tư, còn thực tế cấp cho ai, doanh nghiệp nào thì Chính phủ, Bộ Chính trị, Trung ương sẽ bàn rất kỹ và còn cả một quá trình đặc biệt. Ông có tin vào các quy trình bàn thảo đặc biệt đó không?

Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần thiết phải như thế. Vấn đề đặc biệt mà chúng ta nêu đó thì nó là cái gì, gồm những cái gì? Và cái giới hạn của cái đặc biệt đó nó tới đâu? Cái đặc biệt đó đã được thể hiện trong luật chưa? Nếu chưa trong luật thì thẩm quyền thuộc về ai? Đó là những câu hỏi cần được giải đáp ngay lúc này.

- Theo ông nghĩ thì nếu đặc khu được thông qua thì sẽ có ý nghĩa thế nào đối với kinh tế đất nước?

Không ai chối cãi những thành quả của đặc khu, chúng ta đang kỳ vọng những đột phá đó cho sự phát triển. Nhưng cũng đã có những thất bại ở các quốc gia khác nhau nên lúc này chúng ta cần phải thận trọng. Câu chuyện 99 năm hay 70 năm cũng là một phần trong việc đó.

- Trong bối cảnh xuất hiện vấn đề liên quan đến sinh mệnh đất nước, đang có sự quan tâm đặc biệt của dư luận như thế này thì chúng ta có nên sử dụng Luật Trưng cầu ý dân?

Chúng ta đang nghe ý kiến của dân. Các đại biểu khác cũng thế.

Tác giả: THÁI BÁ DŨNG (thực hiện)

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP