Đài BBC chỉ ra nợ nần học phí đại học cùng giá nhà tăng vọt đang đè nặng thế hệ Y (sinh trong khoảng thời gian từ đầu những năm 1980 đến đầu thập niên 2000) ở Anh, Mỹ cùng nhiều nước khác. Ngược lại, giới trẻ Na Uy ngày càng giàu lên trông thấy.
Ở đất nước Bắc Âu vỏn vẹn 5,1 triệu dân này, người mới ngoài 30 tuổi có thu nhập bình quân sau thuế vào khoảng 460.000 kroner/năm (tương đương 56.200 USD). Trong khi đó, khoản thu nhập tương tự của thế hệ Y ở Mỹ giảm 5%, ở Đức giảm 9% và ở những nước Nam Âu (khổ sở vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008) lao dốc tới 30%.
Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Na Uy (15-29 tuổi) tương đối thấp, chỉ 9,4% so với bình quân 13,9% trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD). Lời kể của anh chàng 25 tuổi Aleksander Aarnes sống ở thủ đô Oslo có thể khiến nhiều nam thanh nữ tú nước khác "phát hờn". Aarnes đang theo đuổi nghề viết kịch bản nhạc kịch nhưng chưa có thành tựu nào.
Thế nhưng, anh vẫn thoải mái ăn nhà hàng, đi du lịch nhờ... làm việc bán thời gian trong siêu thị - chỉ 1-2 ca/tuần và được trả tối thiểu 164 kroner/giờ (khoảng 20 USD). Sau khi đóng thuế, Aarnes bỏ túi chừng 14.000 kroner/tháng (1.700 USD), trong đó một nửa dành trả tiền thuê nhà, các loại hóa đơn và đi du lịch, nửa còn lại "muốn làm gì thì làm". Anh Korsvoll (không muốn nêu họ), 31 tuổi, còn ấn tượng hơn vì đã mua được căn hộ 2 phòng ngủ ven bờ sông khi mới 27 tuổi.
Sinh viên Na Uy tắm nắng bên bờ sông Åkerselva ở thủ đô Oslo. Ảnh: BBC |
Giới trẻ Na Uy "dễ thở" phần lớn là nhờ kinh tế đất nước phát triển nhanh chóng, với động lực chính tới từ các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ ở biển Bắc. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở cách Na Uy sử dụng nguồn thu nhập của mình.
"Thay vì chỉ có số ít được hưởng lợi, họ đã mở rộng cánh cửa giàu có cho nhiều người bằng cách tiết kiệm thu nhập và dùng một phần trong đó đầu tư ngược lại vào xã hội" - bà Hilde Bjørnland, nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh BI Na Uy, phân tích. Cụ thể hơn, Na Uy trữ tiền trong quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới. Với việc đầu tư vào hơn 9.000 công ty, quỹ này hiện trị giá khoảng 1.000 tỉ USD, theo đài BBC.
Dù rủng rỉnh tiền bạc, Na Uy vẫn đánh thuế cao nhưng bù lại, lương và phúc lợi xã hội (chi phí chăm sóc trẻ em, tiền nghỉ thai sản...) cũng cao và học phí ở hầu hết trường học, đại học đều được miễn. Trong khi đó, những người thất nghiệp được hưởng tới 60% lương của 2 năm trước.
Màu hồng đang lấp lánh trước mắt giới trẻ Na Uy nhưng nguy cơ không phải không có. Theo báo cáo gần đây của OECD, tỉ lệ có việc làm cao trong thanh niên Na Uy đang giảm, đặc biệt người nhập cư khó tìm việc làm (phần lớn do không đáp ứng về trình độ). Theo bà Bjørnland, Na Uy cần đẩy mạnh đa dạng hóa các ngành công nghiệp để duy trì thế cạnh tranh, bao gồm mở rộng các lĩnh vực công nghệ, nguyên liệu thô và năng lượng tái tạo.
Trong khi giới chủ Na Uy phải thu hút thêm nhân tài quốc tế để làm việc trong những ngành ngoài dầu khí thì thế hệ trẻ vốn quen "thích gì làm nấy" cần "tập trung trau dồi những kỹ năng cần thiết" mà thị trường lao động đang yêu cầu.
Tác giả: Hải Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động