Du lịch

​Mùa hoa rau muống biển

Đầu hạ về với biển, ngắm những vạt rau muống biển tím ngát phủ trên triền cát ai cũng thấy lòng dịu hẳn. Lại nhớ chuyện tình của chàng Biển, nàng Muống và nỗi niềm của những người phụ nữ nơi miền gió cát...

Một thảm hoa rau muống biển ở vùng biển miền Trung - Ảnh: Cao Cát


Đầu hạ, rau muống biển nở hoa lần thứ nhất. Không ai biết loài rau muống biển này có từ bao giờ và đến từ đâu.

Có thể là hạt giống của những cây mẹ từ vùng biển khác hàng ngàn năm trước đã theo sóng lênh đênh (hạt giống của cây hoa rau muống biển nổi trên mặt nước và không hề bị nước mặn ảnh hưởng) tấp vào bờ biển Việt Nam rồi bám rễ, sinh sôi.

Mùa nắng, chúng thu mình lại để bước sang mùa mưa, thường là đầu hạ, lại vươn mình ra đón nước và xanh tươi nở hoa, tạo thành những vạt hoa tím thẫm. Sau đó kết trái, theo nước mưa trôi ra biển, hay vùi xuống cát ẩm để tiếp tục sinh sôi.

Hoa rau muống biển còn một đợt hoa nở vào mùa thu, dù có ít hơn, để tích nước vào thân dự trữ cho mùa nắng khô cằn sắp đến.

Những ngư dân lớn tuổi hay nói mùa hè mà hoa rau muống biển ra hoa dầy là dấu hiện cho một mùa mưa to gió lớn sắp đến. Cây hoa như đón trước về độ ẩm, hơi gió và hối hả ra hoa để phát triển nòi giống.

Nhưng dù gì mùa hạ nóng nực, ngắm những vạt rau muống biển tím ngát màu hoa phủ trên cát ai cũng thấy lòng dịu hẳn. Có thể chẳng có mấy lợi ích, nhưng chúng cũng tạo được một thảm thực vật với sắc màu thật đẹp, nhất là khi kết hợp với loài phi lao chắn cát.

Còn chuyện loài hoa luôn mọc hướng ra biển thì gần như ai làm du lịch cũng thuộc nằm lòng chuyện tình của chàng Biển và nàng Muống. Một câu chuyện có kết cục buồn như muôn câu chuyện về những người yêu nhau không thể sống trọn đời với nhau.

Đó là chuyện chàng Biển sau khi chết, hồn biến thành những cơn sóng, những cơn sóng cứ vỗ bờ. Còn nàng Muống sau khi chết hóa thành một loài dây leo xanh, hoa tím, ngọn cứ vươn dài ra biển để nắm lấy những ngọn sóng, cũng là chàng Biển ngày xưa.

Riêng với nhiều phụ nữ vùng biển, sự tích loài hoa rau muống biển là một nỗi oán hờn những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nghề biển mà.

Loài hoa rau muống biển đó có màu tím thủy chung và buồn bã. Như những người bà, người mẹ, người chị, người em, người con gái vùng biển, cứ đến mùa sóng to gió lớn, lại thắc thỏm cầu mong bình yên cho người ông, người cha, người chồng, người anh, người em, người con của họ tàu ra khơi khoan đầy cá, an ổn quay về...

Con đường cát và thảm hoa rau muống biển - Ảnh: Cao Cát

Con đường phủ đầy hoa mua và rau muống biển ở đảo Vĩnh Thực, Móng Cái - Ảnh: V.N.A.

Đầu hạ là mùa rau muống biển khoe sắc - Ảnh: Cao Cát

Những cây rau muống biển với ngọn vươn dài ra biển ở Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: Cao Cát

Những bông hoa màu tím trên thảm lá biếc xanh - Ảnh: V.N.A.

Hoa rau muống biển ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh - Ảnh: La Lune

Rau muống biển có ở các vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines... Tại Việt Nam, có thể gặp rau muống biển mọc hoang ở khắp các bãi cát ven theo mọi bờ biển, hải đảo suốt từ Bắc chí Nam...

Hiện tại đã có một số nhà vườn đưa rau muống biển vào dạng cây cảnh, trồng bằng cành và cho nở hoa vào mùa mưa..

Rau muống biển có tên khoa học là Ipomoea pes-caprae, là một loài thực vật thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae) và còn có tên mã an đằng, nhị diệp hồng thự. Đây là loài cây thân thảo, mọc bò chứ không leo, là loài cây dại có hoa nở đẹp. Ngoài hoa đẹp còn có tác dụng phủ xanh vùng cát ven biển do chịu được nước ít và không khí mặn.

Gọi là rau nhưng rau muống biển không thể ăn được do trong cây thân lá có sớ dai, vị lại đắng và có mủ độc. Những ngư dân vùng biển nói rằng mủ của loài dây leo này nếu bắn vào mắt chữa trị không kịp sẽ dẫn đến mù lòa.

“Nó” chỉ có công dụng tức thời là ở những vùng quê heo hút, xa nhà thuốc, bệnh viện, khi những người đi biển chạm phải sứa độc, có thể giảm phỏng ngứa bằng cách hái một nắm lá rau muống biển giã nát đắp lên chỗ bị thương. Hoặc nấu uống khi bị đau nhức khớp xương, đắp lên mụn nhọt…

Tác giả bài viết: Cao Cát

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP