“Vua thép” Hòa Phát và “trùm mì gói” Masan trở lại đường đua |
Theo thống kê mới nhất của Forbes - tạp chí kinh doanh nổi tiếng thế giới, nhóm tỷ phú USD của Việt Nam vừa có sự dịch chuyển, tăng từ 4 lên 6 thành viên, với tổng tài sản ròng đạt 14,8 tỷ USD.
Trong đó, Chủ tịch Vingroup - tỷ phú Phạm Nhật Vượng - tiếp tục dẫn đầu danh sách tỷ phú Việt Nam với khối tài sản trị giá 6,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD trong nửa năm trở lại đây.
Ngôi vị thứ hai không ai khác, chính là nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của hãng hàng không VietJet. Giá trị tài sản của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam hiện tại là 2,2 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với kết quả xếp hạng của chính tạp chí này hồi tháng 4/2020.
Là cái tên mới mẻ nhất trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đang xếp thứ ba với giá trị tài sản được thống kê đạt 1,6 tỷ USD.
So với nửa năm trước, khối tài sản của Chủ tịch tập đoàn Thaco – ông Trần Bá Dương - không biến động, giữ nguyên ở mức 1,5 tỷ USD.
Tiếp đó, 2 gương mặt không xa lạ nhưng vừa được đón nhận trở lại đường đua là Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long với giá trị tài sản 1,5 tỷ USD và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang với 1,4 tỷ USD.
Trước đó, tối 7/4/2020, Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2020 gồm 2.095 tỷ phú ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số tài sản trị giá 8.000 tỷ USD.
Trong đó, Việt Nam có 4 cái tên quen thuộc góp mặt vào danh sách này, với tổng giá trị tài sản ròng là 10,2 tỷ USD. Bao gồm, ông Phạm Nhật Vượng với 5,6 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo 2,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương 1,5 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long “rớt đài” vì tài sản bị sụt giảm xuống dưới 1 tỷ USD.
Vật lộn vì dịch bệnh Covid-19
Vingroup hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020. Trước đó, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, tập đoàn này đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất 38.576 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ (đã bán lại cho tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang năm 2019 – PV) và ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Một năm sóng gió của 6 tỷ phú USD Việt Nam - Ảnh 1
Từ trái sang: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh.
Doanh thu giảm đã khiến lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Vingroup đạt 6.085 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy là hãng hàng không Việt Nam duy nhất báo lãi trong báo cáo bán niên 2020, song Vietjet cũng thừa nhận, mảng kinh doanh vận tải hàng không gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và lợi nhuận của Vietjet có được chủ yếu nhờ việc bán các tài sản khác.
Thực tế, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 Vietjet đạt 10.970 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng, giảm lần lượt 55% và 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, con số lãi 47 tỷ đồng có được nhờ cú “lội ngược dòng” bán tài sản đầy quyết đoán của DN này.
Cụ thể, với lý do tập trung nguồn lực tài chính cho mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không - để vượt qua giai đoạn hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh- Vietjet đã phải bán lại 500 triệu quyền mua cổ phiếu OIL của tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lấy 500 tỷ đồng. Khoản mục này được bổ dung vào doanh thu tài chính, giúp Vietjet tránh được khoản lỗ gộp 1.455 tỷ đồng và có lãi vớt vát 47 tỷ đồng như đã thấy.
Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với doanh thu thuần hợp nhất tăng 103,3% lên 35.404 tỷ đồng, song chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX (TCX), là công ty bán lẻ mới được thành lập sau khi nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ từ Vingroup năm 2019 (Vinmart, VinEco...) và do đóng góp cao hơn từ cổ đông Techcombank. (Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Masan đã lỗ trong quý 1/2020).
Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương chưa niêm yết cổ phiếu nên kết quả kinh doanh mới nhất chưa được cập nhật. Song năm 2019 DN này lỗ nhẹ. Cú bắt tay trị giá 2 triệu USD với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chưa đem lại hiệu quả do mảng Nông nghiệp của Hoà Phát có lợi nhuận khá hạn chế.
Chỉ có 2 trong 6 doanh nghiệp của tỷ phú Việt Nam là đang có lãi. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank (của tỷ phú Hồ Hùng Anh) đạt 6.738 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020, doanh thu đạt 11,8 nghìn tỷ, tăng lần lượt 19% và 30% so với cùng kỳ năm 2019. Nhóm ngân hàng được cho là nhóm chịu ít ảnh hưởng từ Covid-19.
Sau cùng, tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long gây nhiều chú ý khi bất chấp đại dịch Covid-19, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Tạp chí Forbes hôm 26/10/2020 có bài phân tích sự trở lại danh sách tỷ phú USD Việt Nam của ông Long, đã bình luận thành tựu của Hòa Phát có được là do khu liên hợp thép Dung Quất 2,6 tỷ USD xây dựng năm 2017 ở Quảng Ngãi, hứa hẹn nâng thị phần thép xây dựng của Hòa Phát từ 30% lên 35% khiến doanh số bán tốt hơn. “Hòa Phát là một trong số các công ty lớn của Việt Nam được hưởng lợi từ những nỗ lực thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự bùng phát của coronavirus”, tờ tạp chí nhấn mạnh thêm.
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: doisongphapluat.com