EVN được phép tăng giá điện 20%/năm?
Dự thảo cơ chế điều chỉnh giá bán điện lần này có nhiều điểm mới. Trong đó, nổi bật là việc trao quyền cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết mức điều chỉnh giá điện.
Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Quyết định 69, EVN không được quyết giá điện, việc điều chỉnh giá bán phải xin phép Bộ Công Thương với mức tăng từ 7-10% mỗi lần và 6 tháng điều chỉnh một lần.
Còn tại dự thảo lần này, EVN được chủ động tăng giá điện, không cần xin phép cơ quan nào. Mức tăng là 3-5% mỗi lần và 3 tháng EVN được điều chỉnh một lần.
Mỗi năm EVN có thể được tự quyết điều chỉnh giá điện tối đa đến 20%.
Như vậy, nếu muốn, mỗi năm EVN có thể được tự quyết điều chỉnh giá điện tối đa đến 20%.
Tại dự thảo, thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh giá điện cũng tăng tương ứng. Từ chỗ chỉ được quyết định điều chỉnh giá điện tối đa 20% mỗi năm thì dự thảo của Bộ Công Thương đã trao quyền cho Bộ này tăng tới 40% mỗi năm.
Bình luận về điều này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.
VCCI tính toán: Số liệu thống kê từ 1995 đến nay cho thấy, mức độ lạm phát của Việt Nam biến động mạnh giữa các năm, nhưng không năm nào vượt quá 20%. Việc trao cho EVN được quyền tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường.
Còn việc dự thảo rút ngắn tần suất điều chỉnh giá điện từ 6 tháng 1 lần xuống còn 3 tháng, VCCI cho rằng đây là sự thay đổi phù hợp. Điều này sẽ giúp giá điện được điều chỉnh linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào và giúp EVN chủ động hơn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, VCCI lưu ý, đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá như vậy, cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 3, Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo theo hướng nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương nói gì?
Sáng ngày 6/10, Bộ Công Thương đã có phản hồi về những nội dung tại dự thảo.
Liên quan đến thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân từ 6 tháng giảm xuống 3 tháng và ngưỡng điều chỉnh tăng giá điện, Bộ Công Thương cho biết, các Bộ ngành đều có chung nhận xét là Quyết định số 69 đã giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước.
Trong tường hợp cần thiết, Bộ này sẽ có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.
Tuy nhiên, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để quy định rõ một số điểm.
Chẳng hạn như quy định “tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Ngoài ra, mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên trong mỗi lần điều chỉnh cũng được đánh giá là cao, tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội.
Do đó, dự thảo quy định lại tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.
Về việc cho phép EVN được phép điều chỉnh giảm giá điện, quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương cho rằng: Đề xuất này là phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.
Bộ Công Thương khẳng định, một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong lần sửa đổi Quyết định số 69 là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Dự thảo quy định mới đã quy định Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định.
Trường hợp cần thiết, Bộ này sẽ có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.
Hiện Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các khách hàng sử dụng điện về Dự thảo quyết định, sau đó tổng hợp, xem xét chỉnh lý và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả bài viết: Lương Bằng