Khi phát hiện bố mắc bệnh u não và hầu như tâm thức không còn ổn định, cả nhà ai cũng sốc. Bình thường bố là trụ cột trong nhà, bố khỏe mạnh và lo hết mọi công to việc lớn. Vậy mà chỉ sau một trận ốm nhẹ, bố đã nằm đó. Đưa bố vào chụp cộng hưởng từ, trong phòng máy mẹ không dám nhìn mà chạy vội ra ngoài ngồi khóc. Trước mọi khó khăn mẹ chỉ biết ngồi đó nghĩ tới những điều xấu nhất có thể và...khóc.
Tôi đã nghĩ mẹ yếu đuối khi không dám nhìn thẳng vào sự thật, không ở lại chăm bố mà để mình tôi vừa phải đi học, vừa đi làm, vừa vào viện chăm lo cho bố. Lúc đó tôi thật sự mệt mỏi, tôi trách mẹ nhiều lắm. Đôi khi tôi nghĩ... mẹ chỉ biết ngồi đó lo xa mà không biết hành động.
Mẹ tôi là vậy đấy!
Mẹ tôi - một người quanh năm không bước ra khỏi lũy tre làng, chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, một người mẹ giản dị hết mực. Mọi quyết định trong nhà mẹ tôi đều nhường cho bố con tôi, dường như mẹ đồng ý với mọi ý kiến, bởi vậy mới nói, mẹ tôi... không quyết đoán. Nhưng, tôi thương mẹ vô cùng, có những lúc tôi nghĩ: “Lỡ bố có chuyện gì, rồi mẹ sống sao?”.
Nhiều khi nhìn những người mẹ khác mà tôi thấy tội cho mẹ mình. Chẳng bao giờ chăm chút quần áo, giày dép, tóc tai cho bản thân, có bao giờ mẹ nói mẹ muốn mua cái áo này hay đôi giày kia đâu. Cũng bởi, nhà còn mấy đứa con ăn học, cũng bởi cái bệnh còn trong người và lúc nào cũng nghĩ “rồi chẳng sống được bao lâu”. Mẹ tôi thế đấy!
Suy nghĩ của tôi chín chắn hơn cái vẻ bề ngoài, cũng bởi tôi xa gia đình từ nhỏ, xa vòng tay mẹ khi mới lên 5. Ở cái tuổi chập chững tới trường, người ta có mẹ, có cha kề bên nhưng tôi thì không. Và mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, tôi chỉ nghe thấy tiếng thút thít ở đầu dây bên kia, tôi biết đó là “tình mẫu tử bị chia cắt”, người mẹ ấy chẳng biết nói gì ngoài tiếng khóc.
Đã bao lần tôi chứng kiến cảnh mẹ khóc, đã bao lần tôi dự đoán được trong tình huống nào nước mắt mẹ sẽ rơi, nhưng chưa một lần tôi ngồi lại lau nước mắt cho mẹ. Tôi chỉ biết nghĩ trong lòng, đến bao giờ mẹ mới hết buồn phiền, đến bao giờ tôi mới khiến mẹ cười thật tươi?
Làm gì có người mẹ nào mà không thương con. Biết rõ thế nhưng tôi vẫn chẳng ngại ngần khoe với đám bạn cùng phòng mình là: “Mẹ tớ lớn tuổi rồi, giản dị lắm, mặc cái này không thích, mặc cái kia cũng không vì không hợp gu”.
Mẹ không bao giờ nói thương hay thể hiện tình cảm với chị em tôi, nhưng tôi hiểu mẹ thương chị em tôi nhường nào bởi mẹ chẳng có tài sản to lớn nào ngoài 3 đứa con gái. Tôi cũng biết, ngoài tình thương mẹ dành cho tôi ra thì chẳng còn điểm nào của mẹ có thể so sánh với các bà mẹ khác. Mẹ tôi nấu ăn bình thường, hầu như chỉ nấu được những món ăn đơn giản, không biết cách ăn mặc, lúc nào ra đường cũng quần vải đen ống rộng và áo sơ mi rộng rộng, mẹ nói mặc vậy cho thoải mái. Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ chê trách hay ghen tị giữa mẹ mình với mẹ người ta. Và tôi tự hào vì mẹ là người hiền nhất trên đời mà tôi từng thấy!
Tình mẹ ấm áp và rộng lớn lắm! Biết viết làm sao cho hết công lao mẹ đổ, biết nói thế nào cho thỏa tấm lòng mẹ cho con... Cả một đời hy sinh thầm lặng, cả một đời nước mắt mẹ tràn mi... Cả cuộc đời chắt chiu dành dụm, không lo cho bản thân sung sướng lấy một ngày, cũng chưa từng biết đến “ngày của Mẹ” là gì. Có hàng ngàn, hàng vạn cách thể hiện tình cảm với mẹ nhưng tôi chưa bao giờ làm.
Mẹ ơi, con sai rồi. |
Và tôi hối hận vô cùng khi nói: “Mẹ yếu đuối lắm”. Mẹ bị lao phổi đã khỏi nhưng ở nhà mẹ vẫn giữ thói quen để đồ dùng của mẹ riêng biệt vì nghe nói bệnh đó có lây cho những người xung quanh. Nhiều khi tôi ôm mẹ, mẹ cũng đẩy tôi ra và nói: “Mẹ nóng, không muốn ôm”. Tôi hiểu mẹ đang sợ lây bệnh cho các con.
Mẹ chịu đựng đau đớn vì bệnh tật, mẹ hy sinh cả cuộc đời vì mấy đứa con. Mẹ khóc vì thương bố đau đớn. Mẹ khóc vì nghĩ cho tương lai của chị em tôi sau này, và...mẹ chưa từng khóc xót thương cho cuộc đời mẹ.
Rời xa Thủ đô bon chen ngoài kia, về nhà lại được chào bố, chào mẹ con đã về... Nhìn tấm vai gầy của mẹ lại khiến tôi xót xa và thầm cảm ơn rằng con vẫn còn mẹ ở bên, để mỗi mùa Vu Lan tới lại được “một bông hồng đỏ... con cài trên ngực”.
Ngày Vu Lan đến, con chỉ muốn nói với mẹ: "Mẹ ơi, con sai rồi".
Tác giả: Nguyễn Lâm
Nguồn tin: Báo Người đưa tin