Trong không khí của ngày lễ Vu Lan, PV báo Người Đưa Tin được lắng nghe câu chuyện buồn từ chị H.H. (27 tuổi, Hà Nội). Khi nhắc về mẹ, người phụ nữ này cố nén những giọt nước mắt, bởi giờ đây, chị đã sai nhưng mẹ thì chẳng còn có thể nghe và tha thứ được cho người con bất hiếu.
Chị H.H. kể lại: “Ngày còn nhỏ, gia đình tôi không đến nỗi quá khó khăn, bố mẹ buôn bán để nuôi 3 chị em ăn học. Tôi là chị cả nên luôn phải nhường nhịn các em mọi thứ. Cuộc sống êm đềm trôi qua, cho đến một ngày gia đình tôi phá sản. Khi ấy, bố mẹ tôi ngày nào cũng cãi nhau vì tiền và cuối cùng điều gì đến cũng phải đến, bố mẹ tôi ly hôn. Thời điểm đó, tôi học lớp 8 và nhận thấy gia đình mình bắt đầu rơi vào bế tắc, tôi chẳng còn tâm trí nào để học nữa”.
Nói đến đây, chị H.H. nắm chặt tay như cảm giác sợ hãi một điều gì đó, chị bảo rằng chị sợ quay trở về thời điểm gia đình phá sản: “Chị em tôi cũng được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng nhiều so với bạn đồng trang lứa. Nhưng từ ngày phá sản, bố bỏ đi, nhà chẳng còn gì, mẹ tôi lại quay về com cóp bán hàng để chắt chiu từng đồng nuôi ba chị em khôn lớn”.
Có những lúc chán nản, chị H.H. muốn thôi học để lo cho các em, cho mẹ đỡ khổ nhưng mẹ không đồng ý, bắt chị học bằng được và nói “chỉ có con đường học mới thoát khỏi nghèo khó”. Thế là, chị H.H học nhưng càng lớn, nhìn thấy bạn bè có nhà lầu, xe hơi thì lòng oán trách mẹ cha của chị cũng lớn dần lên.
Chị H.H. chưa bao giờ nói lời yêu thương mẹ và rất ân hận vì điều đó (Ảnh minh họa). |
“Tôi không biết đã bao nhiêu lần trách mẹ không cho chị em chúng tôi được một cuộc sống đủ đầy mà cứ túng thiếu nay vay chỗ nọ, mai vay chỗ kia. Thậm chí, đi học đại học, tôi cũng vẫn phải vay ngân hàng. Những lúc đó, mẹ đành ngậm ngùi và nhận lỗi về mẹ”, chị H.H. nhớ lại những lần nổi nóng với người đã "mang nặng đẻ đau" sinh ra mình.
Rồi sau khi ra trường, chị H.H. cũng tìm được một công việc ổn định và kết hôn với người đàn ông thành đạt. Hai người em của chị H.H. đã kiếm được việc làm và lo cho mẹ. Về phần bố, vì đã bỏ ba chị em mà đi nên chị không muốn nhắc đến.
Nhưng, có một điều mà chị H.H. vẫn luôn ân hận đó chính là ngày biết mẹ mắc bạo bệnh do lao lực, chị gần như đã gục ngã, khóc cạn nước mắt. Mẹ chị ra đi trong một chiều mưa buồn và chẳng kịp nhắn gửi các con điều gì.
“Mãi sau này, trong đồ dùng cá nhân của mẹ, tôi tìm được một bức thư mẹ gửi cho tôi. Trong lá thư đó, mẹ xin lỗi vì đã khiến tôi là chị cả trong nhà phải lo lắng, phải sống khổ sở. Rồi mẹ cũng nói đã làm hết mọi việc có thể chỉ để gửi cho tôi 1 triệu đồng/tháng tiền học, rồi lo cho các em. Mẹ đã làm tất cả vì chúng tôi, làm nhiều dẫn đến lao lực và bệnh. Vậy mà, đến lúc mẹ nhắm mắt, mối quan hệ của mẹ con tôi vẫn không thể hàn gắn, trong lòng tôi vẫn luôn oán trách mẹ. Tôi thấy mình là một người con bất hiếu, vô tâm”, chị H.H. nghẹn ngào.
Giờ đây, chị H.H. chỉ còn có thể nhớ về mẹ, sự hy sinh vất vả của mẹ qua những ký ức (Ảnh minh họa). |
Đã hơn 2 năm mẹ rời xa chị em chị H.H., ngày hôm nay khi lên chùa để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của mẹ, lòng chị H.H. như thắt lại.
“Tôi hối hận lắm, vì đã trách mẹ vô cớ, ngày đó tôi chỉ biết sống cho mình, chỉ muốn mình được sung sướng và muốn mình được như các bạn. Nhưng, tôi đâu biết rằng để có được sự sung sướng ấy, gia đình phải có nền tảng và bản thân mình phải cố gắng chứ không phải chờ đợi mẹ cha.
Mẹ cha cho ta hình hài, nuôi lớn ta còn ta phải là người cố gắng, bươn chải để báo hiếu họ. Nhưng, đạo lý làm con ấy đến khi mẹ qua đời rồi tôi mới thấm. Thấm rồi thì sao? Thì mẹ ơi! Mẹ đã về trời…”, chị H.H. nói trong nước mắt.
Tác giả: Thanh Lam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin