Nhân ái

Mẹ nguy kịch trên giường bệnh, con gái 9 tuổi thiếu tiền để truyền máu

“Giờ tôi chỉ mong kiếm được 10 triệu đồng để đóng tiền viện phí cho vợ và đưa con vào TP. HCM để truyền máu. Vợ tôi thì đang nằm thoi thóp ở đó…còn cháu thì mặt mũi tái mét, nhợt nhạt và đang yếu dần…”anh Công bất lực nói.

Những ngày qua, tất cả các hội đoàn thể ở Thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đang cố gắng vận động mọi người giúp đỡ anh Phạm Văn Công (SN 1978) một ít tiền để cứu chữa cho vợ mình và con gái.

“Mặt trận, Hội nông dân, phụ nữ… đều đi đến từng nhà để vận động mọi người giúp đỡ hoàn cảnh của Công. Nhà là hộ nghèo của địa phương nhiều năm, vợ con mang trọng bệnh 6 – 7 năm trời liền, nay lại đổ thêm bệnh nữa”, ông Phạm Văn Niệm, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thị trấn Phú Thứ chia sẻ với PV.

Anh Công là lao động duy nhất trong gia đình 4 người. Nay chị đổ bệnh anh lại phải túc trực chăm sóc

Qua nắm bắt thêm ở chính quyền, được biết nhà anh Phạm Văn Công hiện có 4 nhân khẩu. Trong đó, chị Ngô Thị Thu (SN 1977) mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), gãy xương tay phải 4 năm chưa lành, nay tiếp tục bị nhiễm trùng nặng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên; con trai Phạm Ngô Văn Danh (SN 2005) bình thường; con gái Phạm Hoàng Cẩm Nguyên (2009) mắc bệnh tan máu bẩm sinh ngay từ khi sinh ra, hiện nay mỗi tháng cháu phải vào TP. HCM điều trị và truyền từ 500 – 750ml máu.

Hai mẹ con chị Thu đều bị bệnh tan máu bẩm sinh

Với việc vợ và con gái đau ốm triền miên, trong khi công việc chính của anh Công là phụ hồ, thu nhập không ổn định đã đẩy gia đình anh vào ngõ cụt. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình anh Công nghẹn ngào nói: “Cùng lớn lên trên một miền quê, yêu nhau và cưới của hai vợ chồng rất suôn sẻ. Khi cưới nhau Thu có sức khỏe bình thường như bao người con gái khác.

Cưới nhau xong, tiền của tích góp cùng tiền mừng cưới hai vợ chồng cất ngay 1 căn nhà khá rộng. Dù đều là lao động chân tay nhưng ngần ấy cũng đủ làm hai vợ chồng mình hạnh phúc. Cưới nhau được hơn 1 năm thì Thu sinh cháu trai đầu lòng khỏe mạnh, hạnh phúc lại nhân lên đôi phần. Những năm sau đó mình thì làm phụ hồ, còn Thu thì làm bánh ít lá gai, bánh ú…đem ra chợ bán.

Chứng từ bệnh của cháu Nguyên

Đến năm 2009 thì Thu sinh đứa thứ 2 là Phạm Hoàng Cẩm Nguyên, cháu Nguyên vừa ra đời đã có biểu hiện vàng da, truyền máu vào là hồng hào được vài hôm thì da lại tiếp tục vàng. Trước những bất thường của con vợ chồng mình phải đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) để thăm khám. Tại đây các bác sĩ cho biết cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh, phải mất 1 năm điều trị thì cháu mới được cho về nhà và cũng từ đó đến nay cứ mỗi tháng cháu phải vào để thăm khám định kì. Mỗi tháng cháu phải truyền từ 2 – 3 đơn vị máu (500 – 750ml) và mỗi lần đi như vậy cũng tốn hơn 3 triệu đồng.

Với căn bệnh tan máu bẩm sinh, tuổi thơ của cháu Nguyên hầu như gắn liền với bệnh viện. Hiện nay mỗi tháng anh Công phải đưa cháu vào bệnh viện để thăm khám, mỗi lần đi như vậy tốn hơn 3 triệu đồng

Sinh cháu Nguyên 2009 đến năm 2012 thì Thu bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Ban đầu là những bệnh vặt và sau đó suy kiệt dần, đưa xuống bệnh viện thì bác sĩ kết luận bệnh tan máu bẩm sinh. Mặc dù bị bệnh nhưng theo bác sĩ thì bệnh này chỉ cần truyền máu thì có thể sống thời gian khá dài nên hai vợ chồng cố gắng động viên nhau mà sống để nuôi dạy các con.

Nhưng cuộc sống quá nghiệt ngã, đến năm 2014 thì Thu bị ngã xe, cánh tay phải bị dập xương. Dập xương ở người bình thường là 1 – 2 tháng sẽ liền, còn đối với Thu đang mang căn bệnh tan máu bẩm sinh thì xương rất khó lành. Thương vợ, mình phải chạy vạy hơn 100 triệu đồng để làm phẫu thuật, cấy thuốc tạo xương để cứu cánh tay cho vợ (thuốc này bảo hiểm y tế không chi trả). Phẫu thuật từ năm 2014 đến nay là hơn 4 năm, Thu phải luôn luôn cố định tay của mình và không được làm bất cứ việc gì.

Chị Thu bị gãy tay đã 4 năm nhưng xương chưa liền, vừa qua tháo nẹp nay lại tiếp tục bị nhiễm trùng

Tháng 8 vừa qua, mình đưa Thu vào viện để thăm khám, thì bác sĩ cho hay xương ở tay của Thu đã có dấu hiệu liền nên bác sĩ tiến hành tháo nẹp cố định và chỉ định 2 tháng sau tái khám. Về hơn 1 tháng thì Thu bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, da tím tái đưa xuống viện thì bác sĩ kết luận là nhiễm trùng, điều trị được hơn 15 ngày nhưng vẫn thoi thóp nằm đó.

Giờ tiền viện phí thì thiếu, còn cháu Nguyên thì đã đến ngày vào thăm khám và truyền máu. Gia đình quá suy kiệt nên kiếm 10 triệu đồng bây giờ quá khó…” anh Công nói.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Phó khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cho biết: “Bệnh nhân Thu nhập viện với 3 chứng bệnh là tan máu bẩm sinh, gãy tay phải, nhiễm trùng vết thương. Với việc gãy tay và nhiễm trùng trên người mắc bệnh tan máu bẩm sinh là rất khó điều trị vì xương của những người bị bệnh này hầu như không lành.

Hiện tại bệnh viện chỉ tập trung chữa trị vết thương bị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh cộng với truyền máu bổ sung. Qua 15 ngày điều trị thì cơ bản việc nhiễm trùng đã được khống chế, bệnh viện cũng đã tiến hành truyền 4 đơn vị máu tương đương 1 lít máu cho chị nhưng cơ thể của chị vẫn đang ở mức thiếu máu trung bình, theo phác đồ thì những ngày đến chúng tôi sẽ truyền tiếp.

Còn vấn đề về gãy xương thì phải cần đưa vào TP. HCM để thăm khám vì trước đây bệnh nhân đã phẫu thuật tại đó. Gia đình có nguyện vọng đưa bệnh nhân đi nhưng gia đình thì quá khó khăn. Theo tôi thì đây là 1 trường hợp cần được mọi người giúp đỡ…” bác sĩ Phương nói.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3132: Anh Phạm Văn Công, trú khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

ĐT: 0978.318.145

Tác giả: Trung Thi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP