Từ “vỡ” được đề cập ở trên được sử dụng để mô tả tình trạng mất khả năng thanh toán của một người (hoặc một nhóm người) trong quan hệ vay mượn tài sản hoặc quan hệ về giao dịch tài sản khác. Vậy “vỡ hụi” và “vỡ nợ” khác nhau như thế nào?.
Đầu tháng 9/2019, nhiều người đã vây nhà bà Phạm Thị Tuyết Hằng (SN 1987, trú tại số nhà 6-8 đường Cẩm Nam 4, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để đòi lại số tiền lớn mà họ đã cho bà này vay. Biết bà Hằng không có tiền trả nợ, những người cho bà Hằng vay tiền đã làm đơn tố cáo gửi Công an TP Đà Nẵng. Làm việc với cơ quan Công an, bà Hằng cho biết đã vay 11 người với số tiền 151 tỷ đồng. Bà Hằng vay số tiền trên với lãi suất 6-9%/ngày, tiền lãi bà trả hàng ngày. Sau đó, bà này cho những người khác vay lại để hưởng lãi chênh lệch từ 0,2-0,4%. Hiện vụ việc vẫn đang được Công an Đà Nẵng điều tra làm rõ. |
Trước hết, cần phải hiểu “hụi” là gì?. Hụi còn có tên gọi khác “họ”, “biêu”, hay “phường”. Điều 471 BLDS 2015 định nghĩa hụi là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Mục đích của việc tổ chức hụi là nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người tham gia dây hụi. Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức hụi đang có dấu hiệu biến tướng và vi phạm pháp luật, một số dây hụi được tổ chức nhằm cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật... Các hành vi tổ chức hụi trái pháp luật tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mất khả năng thanh toán khoản vay 151 tỷ đồng tại TP Đà Nẵng là vỡ nợ |
Như vậy, hụi về bản chất là một hình thức giao dịch về tài sản (có sự chuyển dịch tài sản từ người này cho người khác), theo đó một nhóm người sẽ tập hợp lại cùng thỏa thuận cụ thể về thời gian, phần hụi, thể thức góp hụi, lĩnh hụi, quyền, nghĩa vụ của chủ hụi (nếu có) và các thành viên.
Trong một dây hụi thường có một người đứng ra tổ chức, quản lý dây hụi, thu các phần hụi (tiền hoặc tài sản khác) và giao các phần hụi đó cho thành viên được lĩnh hụi trong mỗi kỳ mở hụi cho tới khi kết thúc dây hụi, pháp luật gọi người đó là “Chủ hụi” (Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường).
Chính vì “Chủ hụi” được quyền thu và quản lý các phần hụi của các thành viên cho nên nếu có xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán trong một dây hụi, hay nói cách khác là “vỡ hụi” thì thường là do “Chủ hụi” sau khi thu các phần hụi đã không thực hiện đúng theo nội dung đã thỏa thuận, không giao phần hụi cho thành viên được lĩnh mà đã sử dụng tiền vào mục đích khác hoặc bỏ trốn dẫn đến không có khả năng thanh toán cho người được lĩnh hụi khi đến kỳ mở hụi.
Hoặc “vỡ hụi” cũng có thể được hiểu là một hoặc một số thành viên trong dây hụi (thường là các thành viên đã lĩnh hụi) không có khả năng tiếp tục góp hụi khi đến hạn dẫn đến các thành viên còn lại của dây hụi không được lĩnh hụi hoặc không được lĩnh đủ hụi như đã thỏa thuận. Thông thường, người ta dùng từ “vỡ hụi” để nói về tình trạng mất khả năng thanh toán của dây hụi có số lượng thành viên lớn và phần hụi góp có giá trị lớn.
Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ vỡ nợ 151 tỷ đồng tại TP Đà Nẵng |
Còn “vỡ nợ” được hiểu là tình trạng mất khả năng thanh toán của bên vay trong quan hệ vay mượn tài sản. Theo quy định của Điều 463 BLDS 2015 thì Hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, nghĩa vụ trả nợ là một trong những nghĩa vụ cơ bản nhất của bên vay trong quan hệ vay tài sản và được quy định trong hợp đồng vay tài sản (hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng văn bản). Về cơ bản, việc người vay mất khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn thì có thể được xem là “vỡ nợ”. Tuy nhiên, thông thường người ta sẽ dùng từ “vỡ nợ” để mô tả về tình trạng mất khả năng thanh toán một số tiền lớn và mang tính chất dây chuyền như vụ “vỡ nợ” mới đây tại TP Đà Nẵng.
Tác giả: Xuân Nha
Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật