Có ít nhất 4 thành viên của một nhóm mafia Sicily ở Ý đã bị bắt giữ tại Đức hồi tháng 1-2019 với các cáo buộc liên quan đến ma túy trong cuộc truy quét tội phạm có tổ chức do cảnh sát Ý và Đức phối hợp.
Thiên đường rửa tiền
Nhóm này duy trì tiếp xúc với các băng đảng tội phạm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như với ‘Ndrangheta - tổ chức mafia khét tiếng ở miền Nam nước Ý. Trong số mối liên hệ còn có cả Antonio Strangio, tên trùm mafia bị bắt ở TP Duisburg - Đức hồi năm 2017 sau 5 năm chạy trốn.
"Đức là một trong những lựa chọn đầu tiên của các băng đảng khắp thế giới khi muốn rửa tiền" - một quan chức Sicily tiết lộ. Thậm chí, một chính khách thuộc đảng cánh tả ở Đức còn khẳng định nước này là thiên đường của găng-xtơ, một phần vì những sức hút của một nền kinh tế ổn định. Theo trang Handelsblatt, năm 2016, nhà chức trách xử lý 563 trường hợp phạm tội liên quan đến rửa tiền thông qua bất động sản. Riêng băng đảng ‘Ndrangheta được cho là đã rửa đến 80% số tiền thu lợi bất chính tại Đức trong lĩnh vực bất động sản - khoảng 40 tỉ euro. Mùa hè qua, cảnh sát Đức đã đột kích 13 căn hộ ở quận Neukölln tại thủ đô Berlin, truy bắt 16 kẻ tình nghi rửa tiền. Chiến dịch này là một trong số 77 cuộc bố ráp nhằm vào gia tộc R. (truyền thông Đức không công bố tên đầy đủ của những người bị cáo buộc).
Một nghi phạm mafia bị bắt trong cuộc bố ráp ở Berlin năm 2018 Ảnh: DPA |
Đức chỉ là một trong số ngày càng nhiều quốc gia chứng kiến sự bành trướng của mafia Ý trong những năm qua. Tờ Die Welt dẫn lời công tố viên chống mafia ở vùng Calabria của Ý, ông Nicola Gratteri, cho biết tổ chức ‘Ndrangheta đã hoạt động tích cực ở Đông Âu trong suốt 20 năm. Khi đưa ra bản báo cáo về sự mở rộng địa bàn của ‘Ndrangheta hồi năm 2008, ông Francesco Forgione, Chủ tịch Ủy ban Chống mafia Rome, khẳng định: "Các tổ chức mafia Ý từ lâu đã hoạt động ở mọi quốc gia Đông Âu, nhất là Bulgaria và Romania". Thậm chí, chuyên gia này còn cho rằng mafia Ý bắt đầu mở rộng địa bàn sang Đông Âu ngay sau khi bức tường Berlin ở Đức sụp đổ năm 1989.
Không dừng lại ở đó, theo trang Novinite Insider, người ta tin rằng mafia Ý hiện điều hành hoạt động làm ăn ở Đông Âu từ nước Đức. Cụ thể, ‘Ndrangheta điều hành hoạt động xuất khẩu ma túy qua các cảng chiến lược Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ); đồng thời kiểm soát các chi nhánh của mình ở Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.
Cũng theo ông Forgione, dù hoạt động ở đâu thì mục tiêu của mafia đều như nhau - kiếm tiền từ đủ loại giao dịch tài chính, rửa tiền, đầu tư và bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào. Số tiền khổng lồ thu được từ các thương vụ ma túy, vũ khí và rác thải nguy hiểm đã được đầu tư vào các giao dịch bất động sản hoặc chứng khoán. Ông Forgione cho rằng đây là cách rửa tiền đơn giản nhất.
Cuộc chiến khó khăn
Sự kiện mafia Ý mở rộng hoạt động ở Đông Âu thể hiện rõ qua hoạt động buôn bán ma túy và vũ khí bùng phát trở lại tại Bulgaria, Romania, Albania và Montenegro. "Các quốc gia Đông Âu, trong đó có những thành viên Liên minh châu Âu, thường là "mảnh đất an toàn" đối với các giao dịch bất hợp pháp vì luật pháp, các phương pháp truy bắt và sự hợp tác trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức ở đó kém phát triển hơn so với Ý và các nước Tây Âu" - ông Forgione giải thích.
Riêng tại Đức, cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền cũng gặp khó bởi một số lý do, trong đó có luật pháp chưa nghiêm. Cho đến trước mùa hè năm ngoái, luật pháp nước này không đòi hỏi tội phạm chứng minh tiền họ kiếm được là hợp pháp. Một thách thức khác là thủ đoạn rửa tiền đa dạng của bọn tội phạm. Ông Burkhard Körner, Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa bang Bavaria - Đức, cho biết bọn chúng thường mang tiền mặt qua biên giới rồi lập các cơ sở cá cược, nhà hàng và cửa hàng khác. Trong khi đó, bất kỳ nhân chứng hoặc quan chức nào có thể cung cấp bằng chứng về hành vi phạm tội của bọn chúng đều bị hăm dọa.
Riêng chính quyền TP Berlin không chỉ đau đầu với mafia Ý mà còn cả các băng đảng tội phạm có tổ chức gốc Ả Rập - do những kẻ chạy trốn chiến tranh ở Lebanon hồi những năm 1980 thành lập. Bọn chúng lâu nay kiểm soát phần lớn giao dịch ma túy bất hợp pháp, hoạt động bán dâm và bảo kê tại địa phương. Giờ đây, theo cảnh sát, các băng đảng mafia Lebanon này đang tìm cách tuyển mộ thành viên mới trong số hơn 1 triệu người đến Đức xin tị nạn từ giữa năm 2015; trong đó phân nửa đến từ Syria, Iraq và Afghanistan. Một cảnh sát chìm tiết lộ với báo Die Welt rằng đối tượng lọt vào tầm ngắm của các băng đảng là thanh niên trẻ tuổi và khỏe mạnh, được giao bán ma túy hoặc thực hiện các vụ cướp nhỏ.
Cảnh sát Berlin thời gian trước đối mặt chỉ trích vì không mạnh tay với các băng tội phạm gốc Ả Rập, một phần do nỗi lo bị tố phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số nhất định. Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, nhà chức trách địa phương đã đẩy mạnh đột kích vào các quán shisha và nơi cá cược, đa phần ở quận Neukölln. Hồi tháng 8-2018, cảnh sát và các công tố viên đã thu giữ 77 bất động sản trị giá 10 triệu euro, với nghi vấn hầu hết chúng được mua bằng tiền có được từ một vụ cướp ngân hàng lớn năm 2014. "Chúng tôi đang phá hỏng cuộc vui của chúng ở Berlin" - Bộ trưởng Nội vụ bang Berlin Andreas Geisel khẳng định.
Tác giả: NGÔ SINH
Nguồn tin: Báo Người lao động