2 thập kỷ gắn bó và sai lầm nghiêm trọng
Cách đây hơn 3 tháng, ngay sau khi Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) bị phát lệnh truy nã thì Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) phát thông cáo, ông Phan Văn Anh Vũ và Công ty xây dựng Bắc Nam 79 vẫn còn sở hữu tài sản trị giá 637 tỷ đồng tại DongA Bank.
Trong số này, Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 do Vũ “nhôm” đại diện, sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ của DongA Bank (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng). Bản thân Vũ “nhôm” cũng sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương với gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) vốn góp tại ngân hàng này.
Thời điểm đó, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank cùng 4 bị can khác đã bị bắt giữ tròn 1 năm do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình đã dẫn dắt DongA Bank từ những ngày đầu, nhưng cũng chính những sai lầm của ông đã khiến ngân hàng đứng trước những thiệt hại lớn |
Đến đầu tháng 1/2018, chạy trốn mới được vài ngày thì Phan Văn Anh Vũ bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Vũ “nhôm” thừa nhận trong 600 tỷ đồng nộp vào DongA Bank thì có 400 tỷ đồng là tiền vay, thế chấp lô đất tại Đà Nẵng còn 200 tỷ đồng chỉ ký khống theo thoả thuận với ông Trần Phương Bình.
Năm 2014, sau khi ngân hàng tăng vốn điều lệ không thành, ông Trần Phương Bình chỉ đạo DongA Bank chuyển trả lại 609 tỷ đồng cả tiền nộp mua cổ phần kèm theo lãi cho Công ty CP Bắc Nam 79. Số tiền này được Vũ “nhôm” dùng 500 tỷ đồng mua lại 50 triệu cổ phần của Đông Á còn 100 tỷ đồng thì tiêu xài hết, đến nay DongA Bank không thu hồi được.
Phan Văn Anh Vũ sau đó có thay đổi lời khai, từ “bàn bạc và hợp tác” cùng với ông Bình thành việc ký khống chứng từ và chi 500 tỷ đồng mua cổ phần ngân hàng là “do ông Bình chỉ đạo”. Dù trong trường hợp nào, những sai phạm của ông Trần Phương Bình tại chính ngân hàng mà ông gắn bó từ những ngày đầu thành lập đều khiến người khác cảm thấy sốc.
Xuất thân là một nhà giáo, ông Trần Phương Bình đã bước từ bục giảng sang thương trường, trở thành một lãnh đạo ngân hàng từ những năm 1990, khi DongA Bank vừa thành lập.
Ông Bình từng phát biểu trên báo chí: “Tôi xem DongA Bank như đứa con của mình nên sẵn sàng dành hết cuộc đời, tâm sức, thậm chí chấp nhận khó khăn, thách thức để làm sao cho đứa con ấy phát triển, khỏe mạnh. Và khi đã yêu thương, tâm huyết thì mọi trở ngại đều có thể vượt qua”.
Dưới sự điều hành và dẫn dắt của ông Trần Phương Bình, DongA Bank từ một ngân hàng nhỏ chỉ với 20 tỷ đồng vốn điều lệ đã trở thành ngân hàng vốn 5.000 tỷ đồng, đứng đầu mảng dịch vụ thẻ với gần 8,4 triệu khách hàng sử dụng và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo được máy ATM bán vàng tự động.
Bạc tóc vì DongA Bank…
Ông Bình nói, ngành ngân hàng có rất nhiều tổn thất trong đó, vấn đề cá nhân là tuổi tác và trí tuệ. “Không ai làm ngân hàng mà tóc không bạc, không phải riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy”, ông Bình chia sẻ như vậy, “suốt ngày phải suy nghĩ về nó, kể cả khi ngủ”.
DongA Bank không chỉ là tâm huyết của ông Trần Phương Bình mà còn là nơi mà ông và các thành viên trong gia đình có quyền lợi lớn.
Tại DongA Bank, gia đình cựu “thuyền trưởng” ngân hàng này sở hữu tới 22,72% cổ phần. Trong đó, ông Bình và vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần, tương ứng với lượng cổ phiếu có mệnh giá 480 tỷ đồng.
Cũng chính vì lẽ đó, việc ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý khiến không ít người bất ngờ.
Ngày 4/4, ông Trần Phương Bình cùng 19 đồng phạm khác đã bị truy tố về tội “cố ý làm trái…” và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Trong sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông Bình đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỷ đồng cho Phan Văn Anh Vũ để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á.
Cơ quan điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongA Bank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ông Bình từng nói: “Càng gặp nhiều thất bại đau đớn, mang lại hậu quả thì người làm ngân hàng càng học được nhiều bài học kinh nghiệm thực tế quý báu để tránh sa lầy mà không phải ai cũng có”. Thế nhưng, cú “sa lầy” với hậu quả quá lớn lần này của người thuyền trưởng hơn 60 tuổi thật khó để ông sửa chữa, mà trở thành bài học cho người khác.
Như chính ông Bình từng tuyên bố, trong nghiệp vụ ngân hàng “không có yếu tố thân quen mà phải xem xét yếu tố con người”. Và việc “bắt tay” với một nhân vật được đánh giá là “mafia kinh tế” như Vũ “nhôm” lại là điều càng không bao giờ nên xảy ra.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí