Lương công nhân ngành thủy sản hiện đều cao hơn mức lương tối thiểu. ẢNH: DŨNG MINH
Tăng mỗi năm khoảng 10%
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, việc quy định mức lương tối thiểu thấp nhất từ 2.580.000 đồng/tháng đến cao nhất là 3.750.000 đồng/tháng sẽ được áp dụng từ đầu năm 2017 trên thực tế không làm thay đổi nhiều về lương hằng tháng của người lao động. Bởi hiện nay mức lương bình quân của nhiều ngành nghề đều cao hơn lương tối thiểu đó.
Bản thân ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy hải sản Minh Phú đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cũng nhận định chuyện tăng lương để nâng cao thu nhập đời sống cho người lao động là việc cần thiết và có ý nghĩa. “Trên thực tế của DN chúng tôi và cả trong ngành thủy sản lương của công nhân đều cao hơn mức lương tối thiểu từ 50 - 70% thậm chí là 100%. Do đó việc tăng lương tối thiểu sắp tới không tác động nhiều đến lương thực tế của công nhân mà chỉ tác động đến các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phí công đoàn”, ông Quang nói.
Theo kết quả Khảo sát lương năm 2016 do Mercer - công ty tư vấn nhân sự và đại diện tại VN là Công ty Talentnet thực hiện với sự tham gia của 557 công ty trong 76 ngành nghề khác nhau, tỷ lệ tăng lương của các DN luôn cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát và cao hơn mức tăng GDP. Ví dụ năm 2016, dự báo GDP tăng 6,7% và lạm phát là 3% thì tỷ lệ tăng lương của các DN trong nước khoảng 9,3% trong khi tỷ lệ tăng của các DN nước ngoài là 8,9%. Trong đó, các ngành như công nghệ cao, sản xuất, dược và hóa chất là 4 ngành hàng có tỷ lệ tăng lương cao nhất, ở vào mức 10%. Trong khi đó các ngành nghề về giáo dục, ngân hàng, dầu khí có mức lương tăng thấp, lần lượt là 7,5%, 6,7% và 5%. Trong cuộc khảo sát, theo những dự đoán khả quan về phát triển kinh doanh năm 2016 - 2017, các công ty có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm trước, đặc biệt là các DN trong nước. Các ngành như nông nghiệp, ngân hàng chỉ tăng nhẹ về mức thưởng trong khi các ngành khác có tỷ lệ thưởng tăng cao từ 20 - 22,5%.
Lo ngại chi phí gia tăng
Chị Trần Thị Hạnh, công nhân một nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng, đã gắn bó với nghề này gần chục năm cho biết: Trung bình mỗi tháng lãnh lương hơn 4 triệu đồng. Chị có nghe nói sắp tới sẽ tăng lương nhưng lo nhiều hơn vui. Chị lý giải mỗi đợt nhà nước tăng lương thì các khoản trừ bảo hiểm, thuế phí cũng tăng theo nên phần lương thực lãnh gần như không thay đổi, thậm chí đôi khi lại còn ít hơn mức cũ. “Trước đây mình cũng có hỏi thăm thì công ty bảo là trừ theo quy định của nhà nước, lương cao thì đóng cao. Chưa hết, mỗi khi lương tăng giá cả nhiều mặt hàng cũng tăng theo. Dịp này lại sắp tết không biết giá cả sắp tới sẽ ra sao?”, chị Hạnh lo lắng.
Dù lương thực nhận của người lao động không thay đổi nhiều nhưng các DN thì đang lo lắng cho chi phí liên quan trong năm 2017 sẽ gia tăng. Nhất là với các DN sản xuất trong những lĩnh vực có nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… Theo phân tích của ông Lê Văn Quang, hiện tại một công nhân ngành thủy sản phải đóng các loại phí bảo hiểm và phí công đoàn là 34,5% lương tối thiểu. Vì vậy khi mức lương tối thiểu tăng thì các loại phí này cũng tăng đáng kể. Với số lượng khoảng 10.000 lao động, công ty ông chưa biết lấy khoản nào để bù đắp trong khi năng suất lao động không tăng. "Hơn nữa việc tăng lương tối thiểu xảy ra tình trạng cào bằng, thu hẹp khoảng cách giữa người có tay nghề cao và người có tay nghề thấp, không khuyến khích những người tích cực", ông Quang nói.
Không tăng là thiếu công bằng
Tuy nhiên, theo PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các DN nói đúng ở chỗ chưa chắc việc tăng lương đi vào túi của người lao động. Nhưng việc tăng lương tối thiểu từ đó tăng bảo hiểm vẫn là điều tốt về mặt lâu dài vì nó giúp cho an sinh xã hội của VN tăng lên. "Người lao động phần lớn chỉ nhìn thấy tiền tươi thóc thật bỏ vào túi hằng tháng nhưng đến khi già yếu bệnh tật mà không có nguồn quỹ để lo cho họ thì sẽ có nhiều bất ổn cho xã hội. Hơn nữa, hiện rất nhiều chế độ trả thù lao, bồi thường thiệt hại, chi phí... đều được các DN áp dụng theo mức lương cơ sở. Hằng năm chúng ta đều có tỷ lệ lạm phát, nếu không điều chỉnh mức lương cơ sở thì một số chi phí sẽ không hợp lý nữa", PGS-TS Võ Trí Hảo phân tích.
Dẫn ví dụ này để cho thấy lương tối thiểu và lương cơ sở nó còn có nhiều mục đích khác nhau, PGS- TS Võ Trí Hảo nói, một người tìm được cổ vật và theo luật, nếu giá trị cổ vật đó dưới 10 tháng lương cơ sở thì người đó có quyền giữ cổ vật đó. Nếu cổ vật đó có giá trị cao hơn thì cơ quan chức năng sẽ phân chia dựa vào công lao của người tìm được và phần sở hữu của nhà nước.
“Thật ra DN có thể điều chỉnh mức lương cho công nhân theo thỏa thuận. Tôi cho rằng đối với DN, lương tối thiểu có thể tăng nhưng tổng quỹ lương của họ chưa chắc đã tăng. Đối với khu vực nhà nước thì lương tối thiểu và lương cơ sở tăng, quỹ lương sẽ tăng bởi vì hệ số lương của công chức viên chức không được điều chỉnh theo hướng đi xuống. Còn trong DN thì họ hoàn toàn có thể điều chỉnh”, TS Võ Trí Hảo nhận xét.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nên xem xét để các DN tự quyết định tăng lương dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động thực tế mà không nên áp đặt hành chính cho tất cả mọi DN. Ngoài ra, thời gian qua DN luôn phàn nàn về phí công đoàn nên cần công khai minh bạch sử dụng khoản phí đó làm gì. Nếu không thì 2% này cũng là không nhỏ đối với quỹ lương của DN.
Lương bình quân doanh nghiệp trong nước thấp hơn nước ngoài Theo kết quả Khảo sát lương năm 2016 do Công ty tư vấn nhân sự (Mercer) và đại diện tại VN là Công ty Talentnet thực hiện, mức lương trung bình của các DN trong nước thấp hơn các DN nước ngoài là 31%. Đặc biệt, khi so sánh mức lương giữa vị trí quản lý và nhân viên, độ chênh lệch lương giữa 2 vị trí này ở các công ty nước ngoài lớn hơn hẳn các công ty trong nước. Điều này cho thấy mức độ đầu tư ngân sách để thu hút và giữ chân nhân tài của các công ty nước ngoài tốt hơn DN Việt do họ trả lương theo năng lực làm việc. |
Tác giả bài viết: Mai Phương - Chí Nhân
Nguồn tin: