Các học viên chăm chú học ngôn ngữ kí hiệu. |
Trò chuyện bằng... đôi tay
Trong quán cafe nhỏ trên đường Lý Tự Trọng, thành phố Đà Nẵng, có một lớp học với khoảng 30 học viên. Lớp học đặc biệt yên tĩnh, các học viên chăm chú những nét vẽ trên bảng, rồi đưa tay làm theo động tác tương tự. Đó là lớp học ngôn ngữ kí hiệu của dự án Silence’s Melody Class (Lớp học Giai điệu của sự thinh lặng) do 4 bạn trẻ Huỳnh Thị Thiên Ngà, Võ Bích Trâm, Đoàn Ngọc Huyên, Lê Văn Phát (SV năm nhất, ĐH Kinh tế Đà Nẵng) khởi xướng. Lớp học được tổ chức mỗi tháng hai lần, học viên tham gia lớp có một nửa là người điếc, một nửa là người lành lặn. “Người điếc không thể nghe và nói. Bởi vậy, khi cần giúp đỡ ở nơi công cộng, họ gặp nhiều khó khăn khi muốn truyền tải thông điệp của mình. Mong muốn của nhóm là phổ biến ngôn ngữ kí hiệu cho cộng đồng, để nhiều người biết đến thứ ngôn ngữ này hơn, khi đó, những người điếc sẽ gặp ít khó khăn hơn khi giao tiếp”, Võ Bích Trâm (thành viên nhóm) cho biết.
Giảng viên đứng lớp dạy ngôn ngữ kí hiệu là chị Trương Thị Ngân (Chủ nhiệm CLB Người điếc Đà Nẵng). Bảng chữ cái, chữ số, dấu câu và những câu giao tiếp cơ bản thể hiện bằng tay được in trên các tấm bảng. Khi “cô giáo” Ngân dạy từ mới bằng ngôn ngữ kí hiệu, sẽ có 1 trợ lý “phiên dịch” lại bằng ngôn ngữ nói để học viên hiểu và ghi nhớ. “Trong lớp học có cả các bạn điếc và các bạn lành lặn. Bởi vậy, khi giao tiếp, mọi người đều cố gắng sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để vừa dễ thuộc bài, vừa để hòa đồng với nhau. Nếu bí quá, thì các bạn sẽ đánh vần từng chữ trong câu mình muốn nói để “trò chuyện” với nhau”, Trâm vui vẻ kể.
Chia sẻ về ý tưởng dự án, Huỳnh Thị Thiên Ngà cho biết: “Lúc đầu khi xây dựng một dự án hỗ trợ người điếc, tụi mình tự nghĩ ra rất nhiều phương án. Tuy nhiên, sau cùng, nhóm quyết định sinh hoạt cùng CLB Người điếc Đà Nẵng tìm hiểu tâm tư của các bạn điếc”. Qua những buổi trò chuyện với các bạn điếc, nhóm quyết định xây dựng dự án Silence’s Melody Class để dạy ngôn ngữ kí hiệu cho cộng đồng. Những lớp học ngôn ngữ kí hiệu thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Nguyễn Nhi Na (Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) sau khi tham gia lớp học đã đăng 1 clip giới thiệu bản thân bằng ngôn ngữ kí hiệu lên facebook cá nhân và nhận được sự quan tâm của nhiều bạn bè. Nhiều học viên như Huỳnh Trần Tiến Trường tham gia buổi học đầu rồi tiếp tục tham gia những buổi sau. “Mình biết về dự án qua facebook và đăng ký tham gia. Ngôn ngữ kí hiệu rất vui vẻ, ở lớp học, mình có thêm nhiều bạn mới là người điếc. Vì vậy, mình muốn thành thạo ngôn ngữ kí hiệu để dễ dàng trò chuyện với các bạn”, Tiến chia sẻ.
Dạy kỹ năng sống cho người điếc
Cũng qua những buổi trò chuyện cùng người điếc, Võ Bích Trâm và các bạn cũng biết được rằng, người điếc thiếu nhiều kỹ năng sống nên đã chủ động liên kết với các chuyên gia để dạy kỹ năng cho người điếc. “Qua trò chuyện, các bạn trong CLB Người điếc bày tỏ mong muốn được học về các kỹ năng sơ cấp cứu để tự sơ cấp cứu hoặc giúp người khác khi gặp tai nạn. Nên nhóm đã tổ chức một buổi chia sẻ về bỏng và bong gân, về phòng tránh và xử lý giật điện hay kỹ năng cầm máu và hô hấp nhân tạo”, Trâm nói.
Giảng viên đứng lớp là các thầy cô của trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng. Những kiến thức mà các thầy cô giảng sẽ được người phiên dịch dịch lại bằng ngôn ngữ ký hiệu. Các bạn điếc tham gia lớp học sẽ được học lý thuyết đồng thời, thực hành ngay tại lớp với sự hỗ trợ của các bạn học viên lành lặn. “Dự án mang đến cho cộng đồng người điếc những kiến thức và kỹ năng mới mẻ để giúp chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Qua những lớp học, người điếc cũng được giao tiếp và trò chuyện nhiều hơn với người nghe bằng ngôn ngữ kí hiệu, qua đó, mở rộng các mối quan hệ”, chị Trương Thị Ngân, Chủ nhiệm CLB Người điếc Đà Nẵng chia sẻ.
Trong quá trình học, khi phát hiện ra thêm những kỹ năng sống mới mà người điếc chưa có kiến thức, nhóm lại trao đổi và xây dựng giáo án cho những buổi học tiếp theo. “Khi trò chuyện, nhóm nhận ra các bạn hoàn toàn không có kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn hoặc tai nạn. Vì các bạn không thể nghe và nói nên không thể dùng tiếng để kêu cứu. Bởi vậy, tụi mình xây dựng chủ đề về cách xử lý về hỏa hoạn và tai nạn. Chủ đề của các buổi học hoàn toàn linh động và dựa trên nhu cầu của các bạn điếc”, Ngà cho biết.
Những ngày đầu tiếp xúc, nhóm gặp không ít khó khăn để thuyết phục các bạn điếc tham gia dự án. “Hầu hết các bạn đều rất tự ti và ngại tiếp xúc với người lạ. Tụi mình mất nhiều thời gian để làm quen, chia sẻ về ý tưởng dự án và tìm hiểu nguyện vọng của các bạn”, Lê Văn Phát cho hay. Những ngày đầu, các buổi học và gặp mặt chỉ ở những địa điểm quen thuộc như Trung tâm hỗ trợ Người điếc miền Trung hay Trung tâm bảo trợ xã hội. “Sau này, nhóm hướng đến tổ chức các buổi học ở những địa điểm công cộng như các quán cafe để người điếc có thể gặp gỡ nhiều người, đồng thời, để cộng đồng biết và quan tâm đến ngôn ngữ kí hiệu”, Phát chia sẻ.
Silence’s Melody Class là một trong 5 dự án ở Đà Nẵng được UPSHIFT (chương trình do Quỹ Nhi Đồng Quốc tế Liên Hợp Quốc UNICEF và Mạng lưới Khởi nghiệp trẻ Việt Nam VYE triển khai) hỗ trợ và tư vấn để hiện thực hóa ý tưởng. Chia sẻ về những dự định sắp tới, Võ Bích Trâm (thành viên nhóm dự án) cho biết: “Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục tổ chức các buổi học ngôn ngữ kí hiệu tại các địa điểm công cộng để có thể phổ biến ngôn ngữ kí hiệu. Nhóm cũng mong muốn chia sẻ các kỹ năng sống cần thiết với nhiều người điếc hơn để giúp các bạn có cuộc sống tốt hơn”. |
Tác giả: Giang Thanh
Nguồn tin: Báo Tiền phong