Tin địa phương

Loạt shophouse ở Đà Nẵng bỏ hoang vì ế ẩm

Thị trường bất động sản trầm lắng, loạt shophouse tại Đà Nẵng xây xong bỏ hoang, nhiều nhà đầu tư ôm nợ dù rao bán với giá 'sập sàn' nhưng không có giao dịch.

Loạt shophouse tại Đà Nẵng bỏ hoang, nhà đầu tư rao bán nhan nhản nhưng không có người mua.

Từ khoảng năm 2015, tại Đà Nẵng, các dự án bất động sản, trong đó có thị trường Shophouse (nhà phố thương mại) được xem như “gà đẻ trứng vàng” của các chủ dự án, nhà đầu tư. Sự phát triển “nóng”, không dựa vào thực tế, trong thời gian ngắn, nhan nhản những dự án shophouse mọc lên, nhanh chóng đẩy thị trường phân khúc bất động sản này rơi vào tình cảnh cung vượt xa cầu.

Tại những khu đô thị mới khắp các quận, huyện Đà Nẵng, hàng loạt dãy nhà ở thương mại mọc lên, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh, thành phố đổ tiền "ôm" với hy vọng thu lợi nhuận. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở thương mại nói riêng rơi vào cảnh ảm đạm.

Ghi nhận của PV VTC News ngày 19/3, tại những dự án shophouse trên các trục đường lớn Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Sắc, Mê Linh (quận Liên Chiểu), Khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), những dãy nhà ở thương mại trong tình trạng bỏ trống, lác đác vài căn hộ có người ở, kinh doanh giải khát hoặc đặt sàn giao dịch bất động sản.

Dãy shophouse nằm ở vị trí 2 mặt tiền, gần Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, gần biển xây xong lâu ngày, xuống cấp, nhếch nhác. Nhiều căn shophouse treo biển cho thuê kèm số điện thoại nhưng không có người thuê.

Dãy shophose tại khu đô thị phía Tây Đà Nẵng hoàn thành xây dựng phần thô nhưng bỏ hoang hàng chục năm nay.

Theo ông Đinh Văn Hoàng (Công ty TNHH bất động sản H&H Land), thị trường bất động sản phân khúc shophouse tại Đà Nẵng gặp phải tình cảnh thê thảm như hiện nay có nhiều yếu tố tác động, nhưng yếu tố quan trọng nhất là mật độ dân cư ở khu vực đó không đạt, không sầm uất. Khi xây dựng, các chủ đầu tư, chủ dự án vẽ ra bức tranh tuyệt mỹ về những khu nhà ở thương mại sầm uất khiến những nhà đầu tư bỏ tiền "ôm" căn hộ với mục đích cho thuê lại. Tuy nhiên, thực tế tại các dự án này không có dân cư, không có những tiện ích khác kết nối, mà đơn thuần chỉ là những dãy nhà ở liền kề mặt đường nên sẽ không có người thuê hoặc mua lại.

"Thực tế định giá của thị trường bất động sản phân khúc này cao hơn rất nhiều so với những phân khúc bất động sản khác như đất ở. Dân cư thưa thớt, không kinh doanh được thì không ai dại gì bỏ tiền ra thuê cả căn shophouse khi nắm chắc phần thua lỗ. Đương nhiên điều này dẫn đến giá trị shophouse rớt xuống. Các nhà đầu tư ôm vào, bây giờ phải bán tháo là điều không tránh khỏi", ông Hoàng chia sẻ.

Bà Trịnh Thị Ch., chủ sàn giao dịch bất động sản giới thiệu loạt căn shophouse trên tuyến đường Mê Linh đang được các nhà đầu tư ký gửi tại đây để bán hoặc cho thuê. Theo bà Ch., có nhà đầu tư gửi bán đến 10 căn hộ với giá "sập sàn" nhưng không có người mua. "Thực tế các nhà đầu tư hiện đang ôm nợ nên phải bán với giá rất thấp nhằm cắt lỗ. Tôi nhận khoảng gần 100 căn hộ đã 2 năm nay nhưng không giao dịch được", bà Ch. cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, loại hình shophouse tại Đà Nẵng chưa thể hồi phục trong 1 đến 2 năm tới do giá thuê cao lại nằm trong các khu đô thị mới, dân cư thưa thớt, không tích hợp sẵn tiện ích nên người thuê không mặn mà. Vì vậy, đầu tư vào phân khúc shophouse sẽ rất rủi ro kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Tác giả: Châu Thư

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP