Kinh tế

Loại hạt xưa rụng đầy không ai nhặt nay “lên đời” thành đặc sản đắt đỏ

Loại hạt này được nhiều người yêu thích bởi nó mang mùi hương của núi rừng rất độc đáo.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bà con dân tộc có lẽ đã quá quen thuộc với những cây dổi. Cây dổi là loại cây thân gỗ lâu năm, có vân gỗ đẹp, mịn, bền và dẻo dai. Từ gỗ của loại cây này tỏa ra mùi tinh dầu thơm nhẹ, có thể chống mối mọt bởi vậy chúng thường được dùng để làm nhà sàn, đồ nội thất như bàn, ghế, tủ…

Mùa hoa dổi nở rộ bắt đầu từ tháng 3 cho đến tháng 4 hàng năm. Hoa có màu trắng, mọc ở đầu cành và có hương thơm nhẹ nhàng. Kết thúc tháng 4 thì hoa sẽ tàn dần để bước vào giai đoạn tạo quả. Quả dổi sẽ chín hoàn toàn trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Hạt dổi tươi có màu đỏ bắt mắt.



Trước kia, bà con dân bản đi rừng hái măng về làm thực phẩm hàng ngày thường thấy dưới những cây dổi cổ thụ có những quả dổi rụng với hạt màu đỏ tươi, đẹp mắt nên nhặt về. Khi những quả dổi khô đi, ăn thử hạt lại thấy hạt có mùi thơm, vị cay cay đặc biệt nên người dân cất đi để làm gia vị hàng ngày. Mang hạt ngâm rượu làm thuốc xoa bóp thì thấy đỡ đau chân, đau lưng nên cũng là một vị thuốc trong nhà… Vì vậy người dân nơi đây mới ươm cây trong vườn với mục đích vừa lấy gỗ làm nhà, vừa lấy hạt làm gia vị, làm thuốc.

Các món ăn như thịt trâu gác bếp, thịt lợn nướng, cá nướng hay thậm chí là tiết canh đều sử dụng hạt dổi để làm gia vị tẩm ướp. Hương vị thơm ngon từ hạt dổi sẽ giúp tăng độ ngon ngọt cho món ăn, khiến bạn khó có thể quên được.

Về việc khai thác hạt dổi, người ta không trèo lên cây để hái như các loại quả thông thường. Vì cây dổi mọc thẳng và cao, việc trèo lên để hái hạt dổi là điều nguy hiểm và khó thực hiện nên nhiều nơi thường để hạt dổi chín già rụng tự nhiên xuống gốc.

Những người đi rừng thường nhặt ở dưới gốc cây nhưng nhiều hạt bị hư hỏng do đó họ thường mắc màn hay lưới chắn dưới gốc để hứng thứ hạt được coi là “vàng đen” Tây Bắc này.

Hạt dổi tươi đang được tách ra từ quả để đem phơi ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Xuân Tuấn/ Dân Việt.



Sau khi thu hoạch và phơi khô, người dân Tây Bắc thường bảo quản hạt dổi bằng cách cho vào các ống tre, nứa và để trên gác bếp để giữ cho hạt không bị ẩm mốc.

Những năm gần đây hạt dổi trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng, thậm chí có giá lên đến vài triệu đồng/kg.

Những cây dổi có tuổi từ 60 - 70 năm sẽ cho khoảng 50 - 60kg hạt khô mỗi mùa. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá 1 triệu/kg, có khi hiếm hàng còn lên tới 2 triệu/kg.

Hạt dổi phơi khô.



Tuy nhiên không phải dổi ở đâu cũng có mùi thơm ngon đặc biệt và giá cao như vậy. Do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu nên chỉ có giống dổi thơm Lạc Sơn (Hòa Bình) mới có giá, gọi là dổi nếp. Loại dổi này có hạt nhỏ hơn, đều hạt, có màu vàng đen, ăn rất thơm. Dổi tẻ hạt to hơn, màu đen, không thơm bằng hạt dổi nếp nhỏ, khi ngửi kỹ còn có mùi hắc rất khó chịu nên giá không cao.

Với những người lần đầu sử dụng hạt dổi thì có lẽ chưa biết chế biến loại hạt này ra sao. Người ta thường nướng hạt dổi trên bếp than đến khi mùi thơm lừng tỏa ra, sau đó đem đi giã nhuyễn, trộn cùng muối trắng rang thơm. Tùy khẩu vị mà thêm ớt hiểm và chanh tươi, thế là đã có một đĩa muối chấm thơm ngon lạ miệng.

Ngoài ra, hạt dổi cũng được bà con Tây Bắc ướp thịt, ướp cá hoặc thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp… Vì vậy giá hạt dổi càng về cuối năm càng cao, có khi lên đến 4 triệu đồng/kg.

Bên cạnh việc sử dụng để làm gia vị, hạt dổi còn có rất nhiều lợi ích đáng kinh ngạc đối với sức khỏe. Theo nghiên cứu, trong hạt dổi chứa rất nhiều hoạt chất sinh học quý giá như flavonoid, alkaloid,... các loại khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, photpho,... vô cùng tốt đối với cơ thể.

Ngoài ra trong hạt dổi còn chứa tinh dầu với hoạt chất safrol, nhờ đó hạt dổi có khả năng hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, khó tiêu, chống oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. Rất nhiều lương y đã sử dụng hạt dổi trong các bài thuốc chữa bệnh dân gian của mình.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Tây Bắc , gia vị , hạt dổi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP