Tin địa phương

Lên lịch làm loạt dự án lớn ở Đà Nẵng: Cảng Liên Chiểu, Đô thị Đại học...

Từ năm 2026 - 2030, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng như: Xây dựng cảng Liên Chiểu, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, Di dời ga đường sắt Đà Nẵng đến vị trí tạm thời và phát triển đô thị, Nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chương trình hành động nêu danh mục các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn TP. Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành trước năm 2030.

Các dự án gồm: Xây dựng cảng Liên Chiểu, Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, Di dời ga đường sắt Đà Nẵng đến vị trí tạm thời và phát triển đô thị, Nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Dự án phối phối với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Dự kiến thời gian thực hiện các dự án này từ năm 2026-2030.

Ngoài ra, còn có dự án mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa, dự kiến thời gian thực hiện sau năm 2030; dự án Hành lang kinh tế Đông Tây 2, mở rộng quốc lộ 14B, quốc lộ 14G được thực hiện theo kế hoạch vốn của Bộ Giao thông vận tải.

Nguồn vốn thực hiện các dự án trên từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động khác.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng.


Theo Nghị quyết số 169/NQ-CP Chương trình hành động nhằm tạo sức bật mới nhằm phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm và là đầu tàu, dẫn dắt của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Đà Nẵng cũng cần triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới, y tế, giáo dục. Thành phố tiếp tục phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, sàn giao dịch thương mại điện tử; tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công-tư (PPP), thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.

Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển.

TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Xây dựng và phát triển khu công nghệ cao và thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân.

Chương trình Hành động còn giao Đà Nẵng chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển. Tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị - công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ; tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng và phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP