Giá đất tại Quảng Nam - Đà Nẵng ngưng nóng sau những tin đồn bị lật tẩy |
Từ sinh viên đến cụ ông 70 tuổi cũng đi “cò” đất
Những tháng đầu năm 2019, “cò” đất tung tin đồn Đà Nẵng sắp thành lập quận mới tách ra từ huyện Hòa Vang để thổi giá đất khiến dư luận lại xôn xao. Vụ việc chưa hết nóng “cò” tiếp tục tung tin đồn sáp nhập một số xã ở TX Điện Bàn vào TP Đà Nẵng cùng với lý do tương tự.
Với các chiêu trò đó, giới “cò” đất tìm đến mọi ngóc ngách nông thôn tại huyện Hòa Vang để làm giá đất. Đơn cử, cuối tháng 2/2019, một “cò” đất tìm tới nhà bà H. ở xã Hòa Tiến hỏi mua lô đất vườn 400m2 của bà với giá 1,2 tỷ đồng. Bất ngờ vì thấy đất nông nghiệp lại có giá cao, bà H. nhanh tay bán đi để lấy tiền cho con cháu. Nửa tháng sau, bà H. té ngửa khi lô đất của bà giờ được rao bán gần 3 tỷ đồng. Thấy đất có giá cao ngất ngưởng, nhiều người dân không ngần ngại san phẳng các bụi tre, lấp ao cá để lấy nền bán cho “cò”.
Ghi nhận của PV, khắp các thôn, xóm ở Hòa Tiến, đâu đâu cũng có những mảnh đất vừa được san lấp kèm những tấm biển bán đất nguệch ngoạc. Theo khảo sát, giá một lô đất nông nghiệp 100m2 tại khu vực này hiện nay có giá không dưới 600 triệu đồng. Trong vai một người cần mua đất tại xã Hòa Tiến, chúng tôi được Đ. - một “cò” đất - giới thiệu lô đất 120m2 lổn nhổn đất, đá vụn và những gốc tre vừa được đốn hạ ngay mặt tiền đường bê tông, Đ. chào giá lô đất 900 triệu đồng. “Anh mua để dành vài tháng là kiếm vài trăm triệu như chơi. Khu này giờ tiềm năng lắm, ở Hòa Vang các dự án lớn sắp được triển khai, có nhà đầu tư lớn về thì đất lên giá vùn vụt”, Đ. nói.
Thời điểm này, cơn sốt đất tại TX Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng không kém. Tại phường Điện Ngọc, các kiốt bất động sản mọc lên như nấm, giới “cò” đất cũng hoạt động rầm rộ. Thấy có khách hỏi đất, “cò” T. nhanh nhảu giới thiệu về các lô đất với khả năng sinh lời hấp dẫn. Theo lời T., giá đất có thể “nhảy múa” liên tục trong ngày, cao điểm một lô đất 120m2 tại đây chênh lệch đến 100 triệu đồng chỉ từ sáng đến chiều là chuyện bình thường. Hiện nay, cầm cả tỷ đồng cũng không mua nổi một lô đất tại khu vực này.
Đất sốt ầm ầm, người người rủ nhau đi “cò” đất, từ sinh viên mới ra trường đến những cụ ông U70. Theo T., khu vực này có đến 30 “cò” đang hoạt động. Giá đất được thổi lên cao ngất, nhiều người dân ở đây không ngần ngại bán đất để... đổi đời. Bà P. ở phường Điện Ngọc vẫn không thể tin nổi khi lô đất cằn cỗi diện tích 1.500m2 của mình được hỏi mua với giá 3,4 tỷ đồng. Sau khi đất được bán, chủ mới của lô đất phân thành cả chục lô, cắm cọc rao bán.
Tin đồn bị lật tẩy, giá đất chững lại
Sau nhiều động thái tích cực từ chính quyền các địa phương về cảnh báo tình trạng sốt đất, những chiêu bài đẩy giá bị lật tẩy là tin giả, giá đất tại khu vực Hòa Vang có dấu hiệu chững lại.
Ngày 18/3, PV tìm hiểu một lô đất ở tại nông thôn có diện tích 150m2 thuộc xã Hòa Tiến giá 950 triệu đồng, đã chững lại so với thời điểm đỉnh cơn sốt. Theo ghi nhận, tại khu vực Hòa Vang hiện nay giới “cò” đất không còn hoạt động rầm rộ như trước.
V. người dân xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cho biết, hồi đầu tháng một lô đất 100m2 sát nhà anh này được bán với giá 1,7 tỷ đồng. Nhưng đến lúc này chủ đất rao 1,9 tỷ đồng chả ai ngó ngàng tới.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, việc tung tin đồn đẩy giá BĐS lên cao vô hình trung đã tạo ra một bong bóng. Khi quá ngưỡng bong bóng sẽ vỡ. Đó là chưa nói đến những tin đồn thất thiệt đã bị lật tẩy thì nhà đầu tư không dại gì ôm vào những khu đất không có tiềm năng.
Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thông tin, theo quy định điều kiện tách thửa ở huyện Hòa Vang là lô đất có diện tích ít nhất 120m2, kèm theo đó là các điều kiện về mặt cắt đường, hạ tầng, thoát nước. Nếu mua không đúng sẽ bị mất tiền oan. Về vụ việc tung tin đồn, ông Hành cho biết đã có báo cáo gửi Sở TT&TT TP Đà Nẵng, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra đối tượng tung tin để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, để được tách thửa thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. “Thành phố đang kiểm soát rất chặt việc chuyển đổi từ đất rừng, đất nông thôn sang đất ở. Người dân có nhu cầu mua đất ở thật sự cần đến Phòng TN&MT huyện, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện để tìm hiểu trước”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo UBND TX Điện Bàn cho biết, đã chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn mỗi xã, phường. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý tình trạng mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc mua bán quyền sử dụng đất, không vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất nông nghiệp ảnh hưởng đến đời sống lâu dài sau này của gia đình.
Giả mạo cả văn bản phê duyệt dự án của lãnh đạo tỉnh Thường trực Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành công văn chỉ đạo Công an thành phố tăng cường kiểm tra; điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Trước đó, để gây sốt đất, nhiều đối tượng không ngần ngại làm giả văn bản của lãnh đạo tỉnh, thành về việc phê duyệt các dự án. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản giả mạo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề cập về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam (TP Hội An) để thổi giá đất. Tháng 11/2018, một văn bản giả mạo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc “Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Ngay sau khi văn bản giả này được tung lên mạng, giới “cò” đất, các sàn giao dịch bất động sản thổi giá đất ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn và khu đô thị sinh thái Hòa Xuân lên cao. |
Tác giả: Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông