Tin địa phương

Lãng quên ngàn nghĩa sĩ giữa đồng cỏ Nam Ô?

Nghĩa trũng Nam Ô không được nhắc đến trong cuốn Dư địa chí của Quảng Nam – Đà Nẵng. Đây là nghĩa trang của những binh phu, binh lính triều đình nhà Nguyễn đã anh dũng ngã xuống dưới làn đạn đại bác của thực dân Pháp vào năm 1859. Cỏ mọc, rêu xanh đã là câu trả lời: Nơi này đã bị lãng quên.

TIN LIÊN QUAN

Liên minh Pháp- Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858

Mảnh đất thiêng Nam Ô đang được dư luận quan tâm bởi dự án xây resort của tập đoàn Trung Thủy rào đường xuống biển.

“Hỡi ôi! Cỏ ấy bóng tà/Quê người đất khách/Mấy dặm ba cù liễu mạch/cuộc biển dâu thấy cũng đau lòng…”. Tôi từng được nghe nhiều bài văn tế và nhận ra bài văn tế những nghĩa sĩ đã hy sinh ở Nam Ô có giọng đọc ai oán và ý tứ hơi giống bài văn tế trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi. Không giống về câu chữ, nhưng thân phận của những người lính trong bài tế hiện ra oai hùng, bi tráng, sẵn sàng lên đường với giáo dài, đoản đao và trở về với thây bọc trong da ngựa, xác thịt quấn trong manh chiếu cói.

Bài văn tế với giọng ai oán nhắc đến công lao và thân phận của những người lính ở Nam Ô vang lên trong gian thờ có chiều rộng khoảng 4 mét vuông, mái tôn thấp và nóng bức, xung quanh là cảnh rêu phong và hoang tàn. Tôi không tìm được từ nghĩa trũng trong từ điển. Vì lòng thành kính với những người lính đã ngã xuống nên trân trọng dành cho nơi này từ nghĩa trang.

Toàn bộ nghĩa trang 159 năm tuổi đang trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Trước tấm bình phong khắc con hạc vàng là những bộ ấm chén lăn lóc, giữa những ngôi mộ là cỏ mọc um tùm. Bàn thờ đặt trước nghĩa trang này có hình hai con ngựa trắng, vốn được xem là Bạch long thần mã – biểu tượng gắn với thánh nhân, người anh hùng. Trong ngôi nhà nhỏ là tấm bảng đá khắc công đức và ghi tên những người đã góp tiền trùng tu khu mộ âm linh và nghĩa trũng Nam Ô vào tháng 9 năm 2005.

Ngôi mộ đầu tiên ở nghĩa trang có khắc dòng chữ “Lê Văn vô danh, gia đình”. Phía đầu trong nghĩa trang có một ngôi mộ khắc hàng chữ “phần mộ Mã Đoàn Nguyễn Thời”. Còn lại phần lớn những ngôi mộ ở nghĩa trang này đều không có tên tuổi. Phía hai bên sườn khu mộ là rác và cành gai tre đập xuống những ngôi mộ cổ rêu phong, chính giữa nghĩa trang lại có một ngôi nhà ăn sâu vào chính giữa và biến khu nghĩa trang vuông vắn trở thành hình chữ U. Đứng lặng giữa nghĩa trang giữa trưa nắng, nghe âm thanh của sóng biển ngoài ghềnh đá vọng vào, tiếng sóng cồn cào như ngàn vó ngựa của Bạch long thần mã cưỡi âm binh đi về sớm hôm.

Ngày 25.4, các bô lão ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức lễ tế cho các nghĩa sĩ, dân binh đã hy sinh năm 1859. Sử sách ghi lại, sau 10 tháng quân Pháp bị quân triều đình, dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương cầm chân ở Đà Nẵng, Phó đô đốc Regault de Genouilly trước khi về nước đã cho quân tấn công đồn Chơn Sáng vào mờ sáng ngày 18.11.1859. Đồn Chơn Sáng thất thủ và Pháp chiếm đồn, đặt tên là Isabelle. Về phía quân Pháp cũng bị tổn thất nặng, thiếu tá Dé Rouléde bị tử trận, tàu chỉ huy Némésis bị trúng đạn đại bác. Quân tướng nhà Nguyễn đã đốc quân tấn công ngược trở lại khiến quân Pháp phải tháo chạy.

Trong cuốn Dư địa chí của Quảng Nam – Đà Nẵng (trang 1338) có nhắc đến nghĩa trũng Hòa Vang, Phước Ninh. Năm 1864, theo đề nghị của Bố chánh Quảng Nam là Đặng Huy Trước, vua Tự Đức đã ban lệnh quy tập các hài cốt các nghĩa sĩ, nghĩa dân, kể cả mộ vô danh vào nghĩa trũng làng Nghi An và Phước Ninh (nay thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang và mang tên Hòa Vinh nghĩa trũng, với 1.300 ngôi mộ. Năm 1926, Pháp mở sân bay Đà Nẵng nên nghĩa trũng được dời về làng Hóa Khê, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Hằng năm làng làm lễ cúng vào ngày 17.11 âm lịch. Còn nghĩa trũng Nam Ô thì không hề được nhắc đến.

Gần 160 năm, lễ giỗ những người anh hùng liệt sĩ áo vải vẫn được làng đều đặn tổ chức và bài văn tế lại vang lên với những đoạn khúc trầm hùng, bi tráng, đau thương. Ông Lê Thắng, hội chủ làng Nam Ô và các cụ bô lão trong làng cho biết, bài văn tế những nghĩa sĩ đã quên mình vì Tổ quốc được ông Khóa Phương, tên thật là Trần Thúc Hưng viết vào dịp làng dời nghĩa trũng. Dáng oai hùng của các tướng lĩnh được khắc họa: “Có kẻ sanh vi thượng tướng/đội trời đạp đất đã trải mùi nồng đạn chín châu”. Hình ảnh những người phụ nữ bơ vơ vì chồng hy sinh được nhắc đến đầy xót thương: “Kiếp hồng nhan sao khéo mong manh/Xuân gãy nửa chừng nghe cũng tủi/Cảm cho kẻ phất phơ đầu bạc/Nào chồng con đâu tá, một manh chiếu đất màn trời…”.

Tác giả: LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP