Thế giới

Lần thị uy lớn nhất của 4 tàu sân bay Mỹ trên Địa Trung Hải năm 1982

Chiến dịch quân sự của Israel ở Lebanon cách đây 36 năm buộc Mỹ phải triển khai đội tàu sân bay lớn lịch sử để thị uy đối phương và trợ giúp đồng minh.

Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower hồi năm 2012. Ảnh: US Navy.

Ngày 6/6/1982, Israel phát động chiến dịch "Hòa bình cho Galilee" với sự tham gia của 60.000 binh sĩ, hơn 800 xe tăng dưới sự yểm trợ của không quân, pháo binh và tàu tên lửa tấn công miền nam Lebanon sau một loạt vụ đụng độ với Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) ở miền nam nước này.

Khi quân đội Israel áp sát thủ đô Beirut của Lebanon, Mỹ lo ngại khả năng chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông khi quân đội Syria có thể tham chiến chống Israel. Để đối phó, chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan quyết định triển khai 4 nhóm tác chiến tàu sân bay ở vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Lebanon nhằm thị uy Syria, theo War Is Boring.

Vào thời điểm chiến dịch "Hòa bình cho Galilee" bắt đầu, Mỹ mới chỉ có tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và nhóm chiến hạm hộ tống ở Địa Trung Hải. Sau đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS John F. Kenedy di chuyển từ Ấn Độ Dương qua kênh đào Suez tiến vào Địa Trung Hải, gia nhập lực lượng cùng nhóm tàu USS Eisenhower.

Tới ngày 24/6, tàu sân bay Eisenhower bắt đầu hỗ trợ sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon. Chỉ một ngày sau, lực lượng này được bổ sung hai cụm tàu sân bay gồm USS Forrestal và USS Independence.

Với việc 4 nhóm tàu sân bay cùng hội quân, Mỹ có một lực lượng hùng hậu chưa từng có gồm 50 tàu chiến các loại ở Địa Trung Hải. Động thái phô trương sức mạnh này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận khối NATO có tên gọi "Daily Double", nhưng thực tế là chiến dịch chuẩn bị sơ tán công dân Mỹ còn mắc kẹt ở Lebanon cũng như kiểm soát tình hình Trung Đông.

Trên thực tế, dù cuộc vây hãm thủ đô Beirut của quân đội Israel kéo dài đến tháng 8, tình hình khu vực dần ổn định chỉ sau vài ngày Mỹ phô trương sức mạnh hải quân. Sau khi cuộc tập trận Daily Double kết thúc, cụm tàu sân bay USS Forrestal và USS Independence lại trở về Mỹ.

Tiêm kích F-14 thuộc không đoàn trên tàu sân bay Eisenhower. Ảnh: US Navy.

Theo chuyên gia quân sự Eward Chang, 4 nhóm tàu sân bay chỉ cùng hiện diện trong vài ngày, nhưng đó là cuộc phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất trong lịch sử ở Địa Trung Hải. Trong cuộc tấn công Iraq năm 2003, Mỹ cũng chỉ triển khai tối đa hai nhóm tác chiến tàu sân bay.

Vào thời điểm năm 1982, tàu sân bay Mỹ có bước nhảy vọt so với trước đó 10 năm. Ngoại trừ USS Forrestal vẫn trang bị tiêm kích F-4S, ba tàu còn lại đều biên chế dòng F-14A Tomcat hiện đại với vai trò phòng không hạm đội.

Việc triển khai 4 cụm tàu sân bay cùng lúc tại Địa Trung Hải có ý nghĩa về mặt chiến lược khi Trung Đông vẫn chưa trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại và hoạt động quân sự Mỹ như ngày nay.

Cuộc tập trận Daily Double cũng phản ánh thực tế mới khi chính quyền Reagan thuyết phục khối NATO về tầm quan trọng của Vùng Vịnh với chiến lược phòng thủ của châu Âu. Đây cũng được xem là cột mốc đánh dấu việc Mỹ bắt đầu đối phó các đối thủ khác ngoài Liên Xô, chuẩn bị cho các cuộc chiến sau này với Libya, Iran, Iraq, Serbia, Afghanistan và Syria.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP