Kinh tế

Lãi hơn 2.500 tỷ, TKV cắt giảm hơn 6.000 người

Năm 2017, số phòng ban tại TKV cũng giảm từ 28 về 21, lương bình quân mỗi nhân viên khoảng 9,4 triệu một tháng.

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 16/1, ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc TKV cho biết, tập đoàn này đạt doanh thu khoảng 109.200 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016.

Trong đó, năm đầu tiên đi vào sản xuất thương mại 2 nhà máy alumin đã sản xuất 1,14 triệu tấn, riêng Nhà máy Nhân Cơ ghi nhận sản lượng 501.000 tấn alumin, bằng 80% công suất thiết kế; tiêu thụ đạt 1,1 triệu tấn.

Nhờ giá cao, doanh thu từ alumin đạt 8.600 tỷ đồng, góp vào khoản thu 12.150 tỷ đồng từ khoáng sản của TKV. Nhờ đó, mức lãi năm 2017 đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ so với năm 2016. Tập đoàn này đã tiêu thụ 35,6 triệu tấn than nguyên khai, phần lớn là tiêu thụ trong nước 34,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,5 triệu tấn; sản lượng điện đạt 9,38 tỷ kWh...

Năm 2017 TKV tiêu thụ 35,6 triệu tấn than, chủ yếu trong nước 34,1 triệu tấn. Ảnh:Vinacomin


Cũng theo ông Hải, đến 31/12/2017, tập đoàn này có 104.500 người, giảm trên 6.000 người so với đầu năm; năng suất lao động tăng 8,6%. Lương tháng bình quân mỗi lao động của TKV đạt 9,4 triệu đồng. Ông Hải cho biết, chi phí tiền lương trong giá thành năm 2017 giảm 850 tỷ đồng so với 2016.

Cùng với giảm lao động, số đầu mối phòng ban tại TKV cũng giảm từ 28 xuống còn 21. "Hiện tập đoàn đã xây dựng mô hình phòng, ban, định biên tại các đơn vị thuộc các khối kinh doanh thống nhất", ông Hải chia sẻ.

Cắt giảm lao động ngành than vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2018 khi TKV đưa ra kế hoạch giảm tiếp khoảng 4.500 người, đưa tổng nhân viên của tập đoàn về110.000 người; đẩy năng suất lao động tăng lên mức 8,5-9% so với 2017 với thu nhập bình quân 9,8 triệu đồng một tháng.

Tham dự hội nghị tổng kết, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao kết quả của TKV dù 2017 là năm khó khăn của ngành than. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại, trong đó có chất lượng than còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều hộ tiêu thụ lớn. Nhiều nhà máy nhiệt điện than mới đầu tư nhưng chất lượng than trong nước không đạt yêu cầu, buộc phải nhập khẩu. Ước tính, tới 2030 Việt Nam sẽ phải nhập 80-90 triệu tấn than cho sản xuất.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đề cập hiệu quả đầu tư một số dự án thấp, chậm tiến độ. Nhắc cụ thể tới dự án cảng than trung chuyển ở khu vực Tây Nam Bộ, Phó thủ tướng đặt câu hỏi: “Chính phủ giao cho TKV thực hiện dự án này nhưng tập đoàn có làm được hay không. Nếu không làm được thì vì lý do gì, không hiệu quả hay thiếu nguồn lực”. Ông đề nghị, tập đoàn cần có giải pháp rõ ràng cho dự án này, báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ.

Kế hoạch năm 2018, Phó thủ tướng đề nghị TKV tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và đẩy nhanh lộ trình cổ phần hoá. Ông yêu cầu Bộ trưởng Công Thương phối hợp với các bộ, ngành phải có trách nhiệm, tập trung chỉ đạo gỡ vướng mắc của TKV, trong đó có đề xuất về thuế môi trường với than, khoáng sản.

"Những bài học không phấn khởi trong quá khứ sẽ khép lại, ngành than sẽ bước vào giai đoạn mới, góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước”, Phó thủ tướng kỳ vọng.

Về phần mình, TKV cũng đặt kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 36 triệu tấn than, chủ yếu tiêu thụ trong nước 34,1 triệu tấn, còn lại xuất khẩu. Sản xuất than hầm lò trên 22 triệu tấn, khai thác than lộ thiên gần 13 triệu tấn và nhập khẩu 500.000 tấn.

Sản xuất khoáng sản alumin tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018 với sản lượng trên 1,2 triệu tấn, trong đó Nhôm Lâm Đồng 650.000 tấn và Nhân Cơ 580.000 tấn. Tinh quặng đồng 73.240 tấn, quặng sắt 173.970 tấn... Tuy nhiên sản lượng phát điện thương mại lại đặt kế hoạch thấp hơn thực tế thực hiện năm 2017, mức 9,35 tỷ kWh.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: tkv , cắt giảm nhân sự

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP