Xử lý cảnh cáo không đồng nghĩa với việc phải thôi chức
Ngày 12/12, trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà nẵng tại quận Sơn Trà, cử tri Lê Văn Bảy (trú tại P.Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho rằng việc xử lý vi phạm của ông Huỳnh Đức Thơ chưa xác đáng.
"Theo tôi, ông Thơ không được làm Chủ tịch thành phố nữa vì lẽ: theo luật Công chức, viên chức việc xử lý hành chính người cán bộ, công chức sai phạm thì không được giữ chức vụ của mình mà phải hạ cấp lãnh đạo, chứ không để giữ chức vụ Chủ tịch và hạ luôn bậc lương của ông Thơ”, ông Bảy nhấn mạnh.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/12, ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương cho biết: "Việc kỷ luật ông Huỳnh Đức Thơ là đúng quy trình, đúng nguyên tắc, thủ tục xử lý.
Bây giờ chỉ có điều nếu như có sai lầm, khuyết điểm của ông Thơ mà chưa phát hiện ra, thì những người dân có thể phát hiện để rồi báo cáo để xem xét tiếp.
Còn việc xử lý cảnh cáo không đồng nghĩa với việc phải thôi chức vì trong Luật có nêu rõ thành các hình thức khác nhau từ xử lý khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ hoặc loại khỏi công tác.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng |
Hiện chỉ dừng lại ở mức kỷ luật cảnh cáo thì cảnh cáo còn quần chúng không đồng tình với cách xử lý đó thì phải gửi thư lên cấp có thẩm quyền tức Chính phủ, ủy ban kiểm tra trung ương, chứ không nhất thiết cứ cảnh cáo là rút hết các chức vụ.
Điều này có nghĩa là mức xử lý hiện nay được đưa ra đúng nguyên tắc, thủ tục".
Theo ông Hùng, việc này "cũng giống như trường hợp của ông Đinh La Thăng ban đầu chỉ xem xét mức độ khuyết điểm nhẹ, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng sau này điều tra các vụ án thấy có liên đới các sai phạm lớn nên phải bắt giam.
Tức là các sai phạm của cán bộ vi phạm đã hiện rõ ra có chứng cứ thì xử lý, nhưng sau này phát hiện thêm thì vẫn xử lý bình thường không có gì hạn chế, không ai thoát".
Cũng theo ông Hùng, cũng có trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo, cán bộ tự thấy xấu hổ xin từ chức, nhưng đây lại là chuyện khác.
Với thắc mắc cử tri đưa ra như vậy thì phải phản ánh với cấp trên, cấp trên thực hiện quy trình giải quyết đơn tố cáo, rồi thông báo cho dân biết, đề nghị xử lý tiếp nếu thấy có lỗi lớn, dân phản ánh chính xác.
Còn hiện tại thì khuyết điểm đưa ra chỉ đến vậy, cứ công khai minh bạch cho người dân thấy rõ từ báo chí, sẽ được tin tưởng hơn.
"Mới đây, Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định này nêu rõ mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đối với từng vi phạm cụ thể, có thể chiếu theo quy định này để xử lý", ông Hùng chỉ rõ thêm.
Nếu còn sai phạm vẫn xử lý bình thường
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết: "Việc xử lý cảnh cáo là đúng quy định của pháp luật, bởi trung ương đã vào cuộc rất rốt ráo, còn cho rằng mức xử phạt nhẹ không tương xứng là ý kiến của cử tri chứ không phải kết luận của cơ quan, cấp lãnh đạo có thẩm quyền.
Việc xử lý là dựa trên kết luận của UBKT Trung ương chứ không phải của cấp nào, cơ quan nào ở địa phương hay cấp nào khác, nên hoàn toàn minh bạch, còn người dân nghĩ và suy luận theo cách của mình.
Tất nhiên, ý kiến của cử tri cũng được xem xét, cân nhắc, nhưng cần có kiểm tra, đối chứng, tìm hiểu rõ ràng. Đây là trách nhiệm của Thành ủy, ủy ban thường vụ thành ủy xem xét, rà soát, cái khó là đồng chí Bí thư mới chỉ về địa phương".
Về công bố hình thức kỷ luật, theo ông Sơn, đoàn kiểm tra còn công bố trước địa phương, thậm chí địa phương còn không biết, vì ở đây là cấp Trung ương kiểm tra, sau đó kết luận, còn mức xử lý kỷ luật là do các cấp có thẩm quyền xem xét, chịu trách nhiệm, quyết định.
Tất nhiên trên cơ sở bỏ phiếu đề nghị một cách công khai minh bạch chứ không phải ý kiến chủ quan của bất cứ cá nhân nào.
"Không thể có một sai phạm xử lý 2 lần, còn nếu phát hiện ra sai phạm mới, sai phạm khác thì xử lý các hành vi sai phạm đó, còn đã xử lý rồi thì không xử lý lại", ông Sơn nhấn mạnh.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Báo Đất việt