Xã hội

Kỳ bí những chứng tích lịch sử trên vùng khảo cổ

Những chứng tích khảo cổ như “cồn vỏ hến”, khu lăng mộ Bà Chúa, những pho tượng đá cổ, ba cặp rồng đá xanh... được phát lộ tại vùng Đa Bút (xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang là những chứng tích lịch sử quan trọng mang dấu tích của Hành cung nhà Trịnh xưa.

Từ bí ẩn về "cồn vỏ hến”

Từ Quốc lộ 217, chúng tôi rẽ vào khu Đa Bút khoảng hơn 2 km. Theo cán bộ văn hóa xã thì nơi đây thuộc vùng di chỉ khảo cổ “Cồn vỏ hến”. Do tác động của thời gian và không được đầu tư trùng tu bảo vệ nên khu di chỉ không còn nguyên trạng như xưa.

Khu di chỉ khảo cổ học Đa Bút được phát hiện đầu tiên vào năm 1926, kết quả khai quật lần đầu phát hiện sự tồn tại của “cồn vỏ hến” với địa tầng sâu 16m, cùng nhiều những vật liệu như: rìu đá, bàn nghền, cuốc đá, chày, đồ gốm... minh chứng rõ niên đại đá mới của di tích”.

Cũng theo cán bộ văn hóa xã này, cho tới bây giờ vẫn chưa có một lý giải chuẩn xác nào về sự xuất hiện kỳ lạ của "cồn vỏ hến”. Có người cho rằng, người dân thời kỳ đồ đá ngụ cư bên dòng sông Mã, xuống sông cào hến về ăn rồi đổ ra đó, lâu năm thì tạo thành cồn hến đến ngày nay.

Những cặp rồng đá xanh

Một lý giải khác khẳng định nơi đây xưa là vùng nước mênh mông, trải qua nhiều thế kỷ thì địa tầng được nâng lên, Cồn Hến là do sóng nước đẩy dồn mà thành. Song, lý giải này cũng có nhiều người phản bác vì địa tầng nơi đây rất cao, khu di chỉ thuộc xã vùng cao 135 với nhiều đồi núi, thì nước ở đâu mà dồn lên?

Trong khi đó, lão làng Đa Bút Hà Đức Thiệu (75 tuổi) cũng khẳng định: "Cồn hến nằm ở ven sông dài tới 50m, rộng 32m, dày 15 đến 16m, ngày nay đã không còn nguyên vẹn như xưa, mặc dù đã có nhiều đoàn khoa học khi về khảo sát, khai quật nhưng cũng không đưa ra được lý giải cuối cùng nào. Tất cả các dẫn giải, tương truyền miệng trong dân gian tới nay vẫn chỉ là suy đoán, nhận định”.

Đến những pho tượng đá cổ và dấu tích hành cung xưa

Cùng nằm trong quần thể di tích khảo cổ Đa Bút, cách khu “cồn vỏ hến” không xa, là khu lăng mộ bà chúa (thờ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm) với những pho tượng đá cổ.

Cụ Hà Đức Thiệu (người dân Đa Bút) cho biết, khu lăng mộ bà Chúa - tức khu lăng mộ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm, một trong những nữ phi được suy tôn là bậc Thánh Mẫu. Khi bà mất, nơi an nghỉ cuối cùng được chọn là khu vực núi Mông Cù (ngọn núi cao nhất trong các dãy núi nơi đây).

Để tránh kẻ gian ác, tiểu nhân, khu lăng mộ của bà được bí mật lập ở 3 nơi khác nhau trên núi. Tuy nhiên, thời điểm năm 1998, có một số người từ những địa phương khác đến, sau khi nắm bắt được một cuốn gia phả cổ có dấu tích xác định được Khu mộ Bà Chúa nằm lưng chừng núi Mông Cù, có nhiều vàng bạc châu báu, chúng đã bàn tính và tiến hành đào trộm lúc về đêm.

Những pho tượng đá


Sau đó, dân làng đã đóng góp tiền của cùng các cấp, ngành chức năng đầu tư kinh phí tôn tạo và trùng tu lại khu lăng mộ ngay vị trí cũ. Chiếc quan tài bị đào trộm được mang về khu Đền thờ bà, tạo điều kiện cho người dân trong làng dâng hương, bái lễ những ngày rằm, ngày lễ để tỏ lòng thành.

Cũng tại đây, hiện vẫn còn 12 pho tượng đá, nhiều người cho rằng đấy là những người đã trực tiếp xây dựng khu lăng mộ cho bà, sau khi hoàn thành để giữ bí mật cho lăng mộ đều phải chết; còn theo tài liệu của Sở VHTT Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL) bấy giờ thì đây là 12 pho tượng vũ sĩ, chia thành hai hàng bảo vệ, nhìn từ 4 phía đều có có một bố cục khác nhau.

Cách đền Thánh Mẫu không xa là khu vực được cho là hành cung nhà Trịnh xưa, xây dựng trên một khu đồi thoải nhưng bằng phẳng nằm ngay dưới chân núi Mông Cù với nhiều loại vật liệu cổ như gạch kích thước lớn, ngói mũi hài to bản... hiện vẫn chưa được khai quật. Điều đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ quần thể 6 con rồng đá xanh với kiến trúc được đánh giá là tinh xảo nhất còn lại cho tới bây giờ.

Ông Đỗ Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: “Mặc dù được các nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất với những giá trị về khảo cổ, lịch sử quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Sau nhiều năm kiến nghị, vừa rồi khu di tích được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng từ nguồn kinh phí tu bổ, chống xuống cấp để tu sửa, bảo tồn”.

Với những giá trị về mặt lịch sử, khảo cổ, kiến trúc trên, bà Đỗ Thị Loan, Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc cho rằng: “Khu đền Bà Chúa và khu Hành cung nhà Trịnh đã được chấp nhận là di tích cấp tỉnh, được xem là một trong những di tích trọng điểm của huyện và nằm trong chiến lược phát triển du lịch thuộc vùng phụ cận di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Sở dĩ khu di tích đền Bà Chúa, khu Hành cung nhà Trịnh còn gặp khó trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản là do khó khăn về nguồn kinh phí”.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP