Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 khi nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế”. Mặc dù vậy thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực sản xuất…
Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng. Về phía khu vực kinh tế tư nhân cũng cần đổi mới, nỗ lực vượt qua khó khăn để khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế (Ảnh minh họa: KT) |
Chưa yên tâm với môi trường đầu tư
Theo báo cáo khảo sát về chỉ số niềm tin doanh nhân 2017 do Diễn đàn Kinh tế tư nhân thực hiện, các doanh nghiệp vẫn phản ánh, rào cản về giấy phép con quá nhiều, khởi nghiệp vẫn khó khăn, không xin được giấy phép do ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục. Đặc biệt, giấy phép xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp, những thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chính sách thuế, bảo hiểm, tiếp cận vốn… là những rào cản đặt ra với doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chi phí không chính thức lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Các chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình, nêu thực tế: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, chi phí cho một doanh nghiệp Việt đi làm ăn lên tới 30% tổng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí xuất khẩu hàng hoá của ta cũng lên tới 23% trong khi theo nghiên cứu của World Bank, chi phí này ở các nước chỉ là 10%. Những bất cập, rào cản này phải được xoá bỏ, Chính phủ cần có biện pháp căn cơ, cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển”.
Môi trường đầu tư là điều mà doanh nghiệp tư nhân đặc biệt quan tâm. Dẫn thông tin người Việt Nam chuyển 3 tỷ USD sang Mỹ để mua nhà, ông Don Lam, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital đặt câu hỏi vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài. Phải chăng là doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cũng cho rằng, thực tế này cần Chính phủ phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để doanh nghiệp trong nước yên tâm rót tiền vào đầu tư.
Tháo gỡ rào cản, kinh tế tư nhân tăng trưởng từ 15-50%
Những đóng góp của kinh tế tư nhân được đánh giá rất quan trọng trong phát triển đất nước, từ đóng góp ngân sách đến tạo việc làm. Trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Trong khi, tỉ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.
Đại diện khối doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, nếu các điều kiện kinh doanh được cởi mở hơn thì tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ cao hơn từ 15-50%/năm. Để đạt được mức tăng trưởng này, doanh nghiệp tư nhân mong muốn được bình đẳng tiếp cận các nguồn lực.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng: “Một trong những điều kiện hết sức quan trọng là có môi trường thể chế cạnh tranh công bằng, thông thoáng. Các doanh nghiệp cần tiếp cận các cơ hội về đất đai, vốn, các dự án của chính phủ. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận công bằng với các khu vực kinh tế khác. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nhỏ chiếm tỉ trọng lớn. Chính phủ cũng cần có những chính sách ưu đãi hỗ trợ khối doanh nghiệp này.”
Cam kết từ Chính phủ hành động
Mục tiêu lớn của Chính phủ hiện nay là hành động để đưa kinh tế tư nhân thành một động lực, chìa khóa cho sự tăng trưởng nền kinh tế. Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và các sự kiện đối thoại với doanh nghiệp. Từ đó một loạt cải cách chính sách đã được ban hành, những tồn tại của nền kinh tế được nhận diện như nợ xấu, ngân hàng yếu kém, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thanh kiểm tra…giúp môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện.
Ví dụ rõ nét nhất cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy giảm chi phí cho doanh nghiệp đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Cụ thể hệ thống ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất ở mức 0,5%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp. Tới đây, các chi phí khác như bảo hiểm, BOT… cũng sẽ được rà soát để giảm cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề cải cách thủ tục hành chính – một trong những rào cản của môi trường kinh doanh và mối lo ngại của doanh nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ cơ bản là kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đề xuất kiến nghị cải cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thứ hai là đánh giá việc cải thiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là cải tiến theo tiêu chí của Ngân hang Thế giới đặt ra về cải thiện môi trường kinh doanh.”
Tại Diễn đàn Kinh tế tư Nhân Việt Nam 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, kinh tế tư nhân sẽ là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, chiếm khoảng 60% GDP trong thời gian tới. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là xây dựng các chính sách để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, phù hợp nguyên tắc WTO. Trong khi Chính phủ nỗ lực kiến tạo và hành động, thì doanh nghiệp tư nhân cũng cần đổi mới, bỏ cách thức làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực, mà phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đặt tầm nhìn xa hơn, tự tin vươn ra thị trường thế giới, gắn kết, liên kết chặt chẽ, phát huy thế mạnh trong quá trình hội nhập./.
Tác giả: Việt Hà
Nguồn tin: Báo VOV