Tin địa phương

Kinh tế Đà Nẵng 6 tháng - Bài 2: Tăng trưởng nhưng chưa như kỳ vọng

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, dù kinh tế 6 tháng của thành phố tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng do còn một số hạn chế, khó khăn khách quan và chủ quan.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng chưa đạt như kỳ vọng và còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,5%; riêng hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải và hoạt động khai khoáng có mức tăng khá cao, lần lượt tăng 24,4% và 63,6%.

Một số ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng cũng như nguyên liệu sản xuất, điển hình như: ngành dệt (-11,5%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-24,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-17,5%)...

Ở chiều ngược lại, một số ngành then chốt cũng đang dần được hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng, cụ thể: sản xuất chế biến thực phẩm (+11,3%); sản xuất đồ uống (+27,5%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+29,3%); sản xuất xe có động cơ (+27,3%)...

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng nhận định, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập, khẩu và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính đến ngày 20/6/2023, toàn thành phố có 2.103 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 9.185,4 tỷ đồng, giảm 11,0% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về số vốn so với cùng kỳ 2022.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,6% so với cùng kỳ; có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua, tăng 15,2% trong khi số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với 1.055 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có đến 41% số doanh nghiệp được phỏng vấn nhận định tình hình sản xuất kinh daonh quý II/2023 khó khăn hơn so với quý trước; 27% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn giữ nguyên, không thay đổi và 32% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn quý trước.

Đà Nẵng đưa hệ thống sàn nâng, băng chuyền vào sử dụng góp phần tăng nâng suất vận chuyển hàng qua cảng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Cũng do thị trường xuất khẩu không thuận lợi trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa của thành phố trong 6 tháng qua chỉ đạt 892,5 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Đà Nẵng có xu hướng giảm trong 6 tháng qua như: hàng dệt may ước giảm 11,0% so với cùng kỳ năm 2022; thủy sản chế biến giảm 12,3%; hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ giảm 9,3%; đồ chơi trẻ em giảm 7,7%; động cơ điện, thiết bị điện tử giảm 10,0%...; riêng cao su thành phẩm dự kiến tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 với giá trị xuất khẩu ước đạt 65 triệu USD.

Bên cạnh đó, tiêu dùng trong dân đang có xu hướng tăng chậm, người dân chỉ tập trung chi tiêu đối với các nhu cầu thiết yếu. Hoạt động du lịch mặc dù đã được phục hồi nhưng do lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách; số ngày lưu trú bình quân của khách trong nước đang có xu hướng giảm dần.

Cùng với đó, lãi suất ngân hàng mặc dù đã được điều chỉnh giảm theo chủ trưởng của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn cao và có độ trễ do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động trước đó với lãi suất cao. Tăng trưởng tín dụng thấp trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, một phần nguyên nhân do các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; mặt khác, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn.

Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những khó khăn khách quan trong nhiều năm qua về quy trình, thủ tục, giải phóng mặt bằng… vẫn chưa chấm dứt. Sự sụt giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ cả trong và ngoài nước; thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế; một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục, pháp lý... dẫn đến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không đạt như kỳ vọng./.

Tác giả: Phú Vinh

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP