Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng chia sẻ thông tin tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. |
Theo ông Vũ, trong bối cảnh kinh tế thế giới kém khả quan do nhu cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu giảm, kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,74%. Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh... ở mức thấp.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong 6 tháng qua, kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng và còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; thị trường xuất khẩu không thuận lợi; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/6, toàn thành phố có hơn 2.100 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt gần 9.200 tỷ đồng, giảm 11% về số doanh nghiệp và giảm 30,4% về số vốn so với cùng kỳ 2022.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 328 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng 0,62% so với cùng kỳ; có 2.889 doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc xin tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua (tăng 15,2%), trong khi số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với hơn 1.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).
Bên cạnh đó, tiêu dùng trong dân đang có xu hướng tăng chậm, người dân chỉ tập trung chỉ tiêu đối với các nhu cầu thiết yếu. Hoạt động du lịch mặc dù đã được phục hồi nhưng do lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách; số ngày lưu trú bình quân của khách trong nước đang có xu hướng giảm dẫn.
Ông Vũ cũng cho hay, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đã ảnh hưởng lớn.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.427 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 892 triệu USD, giảm 13,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 534 triệu USD, giảm hơn 23%.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống. Một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời”, ông Vũ nói.
Kinh tế TP. Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I/2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023. Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương. |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn