Xe

Kinh nghiệm lái ô tô đi đường đèo an toàn

Đường đèo luôn là một trong những thử thách nguy hiểm đối với tài xế, cần phải có những kinh nghiệm nhất định để có một hành trình an toàn khi đi qua đường đèo.

Đường đèo luôn sở hữu những khúc cua gấp, khuất tầm nhìn. Di chuyển trên đường đèo đòi hỏi phương tiện có độ an toàn cao, người điều khiển cần có kỹ thuật lái xe đường đèo vững vàng và sự bình tĩnh khi xử lý tình huống.

Tài xế cần bỏ túi kinh nghiệm lái ô tô đi đường đèo để đảm bảo an toàn. (Ảnh minh họa)

Không bám sát vạch chia đường

Khi lái xe đường đèo dốc, lái xe chú ý không bám sát vào vạch chia đường để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi ngược chiều. Đặc biệt tại những khúc cua, đoạn đường nhiều xe máy lưu thông, nếu lái xe bám sát vạch chia đường sẽ rất dễ xảy ra va chạm.

Tuy nhiên, trong điều kiện tầm nhìn xa bị hạn chế do thời tiết xấu như mưa to, sương mù, người lái nên quan sát vạch kẻ đường để di chuyển, tập trung để xử lý tình huống phát sinh kịp thời.

Ưu tiên nhường đường cho xe khác

Đường đèo thường nhỏ, hẹp nên việc nhường đường cho xe khác là sự lựa chọn thông minh để tránh ách tắc giao thông và những va chạm đáng tiếc.

Hơn nữa, độ dốc của đường đèo khiến sức mạnh động cơ bị hạn chế, xe cần nhiều thời gian hơn để vượt so với đường bằng. Vì vậy, lái xe chỉ vượt xe khác trong điều kiện an toàn và xác định khoảng thời gian đủ để xe trở lại đúng làn sau khi vượt.

Đảm bảo vận tốc xe chậm, nhất là với xe tải trọng lớn

Những lái xe lần đầu vượt đèo thường không nắm được vị trí các khúc cua, đoạn đường khuất tầm nhìn...Vì vậy, duy trì xe ở tốc độ ổn định giúp người lái có thể bình tĩnh xử lý những tình huống bất ngờ.

Xe tải trọng nặng sẽ có trọng tâm cao, khó khăn hơn khi di chuyển trên đoạn đường hẹp và dễ lật khi vào cua. Lái xe cần duy trì vận tốc chậm, ổn định để đảm bảo an toàn trong hành trình lái xe đường đèo.

Đảm bảo nguyên tắc lên dốc - xuống dốc

Trước khi lên dốc, động cơ cần được làm mát, lái xe nên dừng xe ở vị trí an toàn để động cơ xả nhiệt. Tiếp đó, cho xe chạy không tải, động cơ vẫn nổ máy trong khoảng thời gian ngắn. Tuyệt đối không được mở nắp két nước khi chạy không tải, tốt nhất nên bật chế độ sưởi trong xe.

Lái xe cố gắng duy trì vận tốc xe phù hợp khi leo đèo. Cũng đừng quên tập trung quan sát các biển báo, vạch kẻ đường, gương cầu và bấm còi tại những khúc cua để chủ động xử lý trong mọi tình huống.

Theo kinh nghiệm của những lái xe có thâm niên vượt đèo, lên dốc số nào xuống dốc số đó là nguyên tắc cơ bản cần nắm rõ và chỉ dùng phanh khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối tránh việc rà phanh liên tục khiến hệ thống phanh bị nóng, mất tác dụng thậm chí là bó phanh, mất phanh.

Kiểm tra tình trạng nhiên liệu và hệ thống an toàn của xe

Đường đèo dốc thường có ít trạm nhiên liệu, vì vậy bạn cần kiểm tra tình trạng nhiên liệu trước khi khởi hành.

Ngoài ra, người lái cũng cần đảm bảo hệ thống an toàn của xe gồm phanh, lốp, hệ thống dẫn động, đèn hoạt động ổn định. Đặc biệt, việc kiểm tra nhiên liệu cũng rất quan trọng. Lượng nhớt đang sử dụng cần nằm trong thời gian và số km nhà sản xuất khuyến cáo để động cơ hoạt động trơn tru. Khi nhận thấy hệ thống có vấn đề, chủ xe cần ngay lập tức đến các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời.

Không vượt ẩu

Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên đèo do nguyên nhân xe vượt ẩu. Đường đèo rất hẹp nên để vượt thường phải lấn sang làn đường ngược chiều. Khi này nếu gặp phải xe chạy ngược chiều, cả hai không phanh kịp thì rủi ro va chạm rất lớn.

Theo quy định, xe không được phép vượt khi chạy ở đường vòng, đầu dốc, vị trí có tầm nhìn hạn chế, đường không đảm bảo an toàn cho việc vượt…Mà đường đèo chính là nơi có nhiều đoạn vòng, dốc, tầm nhìn hạn chế…nên thuộc một trong các trường hợp không được phép vượt. Trên đường đèo cũng thường có các biển báo cấm vượt, làn đường được phân chia bởi vạch sơn liền. Do đó không vượt ẩu trên đèo, vượt ở nơi không cho phép vượt, nhất là vượt ngay khúc cua khuất.

Giữ khoảng cách an toàn

Một kinh nghiệm leo đèo an toàn đó là cần giữ khoảng cách với xe phía trước. Dù là khi leo đèo hay xuống đèo tuyệt đối cũng không bám đuôi, nhất là với các xe tải lớn, xe container, đầu kéo…Việc giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp người lái có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống bất ngờ ví dụ như xe phía trước phanh gấp hay xảy ra sự cố.

Tác giả: ĐỨC THIỆN

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP