Xe

Kinh nghiệm lái xe mùa lũ, bác tài cần lưu ý gì?

Việc đi chậm và quan sát kỹ, tránh đi vào những vùng ngập quá sâu, đỗ xe ở những nơi an toàn, hạn chế ra đường khi không cần thiết là những kinh nghiệm lái xe mùa lũ hữu ích cho các bác tài.

Khi vào mùa mưa lũ hoặc phải di chuyển qua những khu vực bị ngập nước sâu, với nhiều bác tài ít kinh nghiệm sẽ là thử thách khá lớn. Những kinh nghiệm bỏ túi dưới đây sẽ không bao giờ là thừa khi lái xe qua vùng ngập nước, những khu vực bị lụt sâu:

Kinh nghiệm lái xe khi qua vùng ngập nước sâu, lũ lụt. (Ảnh minh họa)

Xác định vùng an toàn cho xe di chuyển

Khi đi vào khu vực bị lũ, ngập, bạn nên xem xét phần đường nào được xem là an toàn với xe của mình. Đi chậm, từ tốn, giữ khoảng cách với xe đi trước. Việc xác định độ sâu của mức nước bằng cách quan sát xe đi trước, thân cây hoặc vỉa hè… Hãy để ý và dự đoán vị trí bánh xe sẽ lăn qua, liệu đã phải là chỗ nông nhất chưa. Đường ở Việt Nam thường cao ở giữa và độ dốc khá lớn sang 2 bên. Nếu điều kiện giao thông cho phép, hãy đi ở phần tâm đường, nơi có độ cao tốt nhất.

Thông thường, đối với các dòng xe sedan thì độ sâu mực nước lụt cho phép là không quá 25cm (không quá tâm la-zăng ô tô), còn ô tô gầm cao thì không quá 35cm. Trong trường hợp bắt buộc phải lái xe Ôtô qua vùng ngập nước mà mực nước có thể cao hơn mức cho phép là 20cm thì vẫn có thể qua được, nếu ngập hết bánh xe thì nên đi đường khác hoặc chờ nước rút.

Bạn nên chú ý không đi gần các xe ngược chiều, không đi gần các xe có trọng tải lớn vì sóng nước cũng khiến cho nước dâng cao hơn, dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của bạn, đồng thời tạo thành những con sóng nước tràn qua nắp capo, tràn vào họng hút gió và vào thẳng động cơ gây ra hiện tượng thủy kích

Tắt các thiết bị phụ tải

Để hạn chế nguy cơ xảy ra chập điện, cháy nổ điện khi đi qua vùng nước lũ, người lái nên tắt các thiết bị phụ tải như máy lạnh, hệ thống giải trí... đồng thời, hạ cửa kính ô tô xuống để giảm tải cho động cơ.

Việc tháo đường ống hút gió ra khỏi cổ lọc gió trước khi đi qua vũng nước ngập và lắp lại sau khi qua khỏi đoạn đường đó để tránh giảm tuổi thọ động cơ.

Về số thấp nhất, đều chân ga

Khi lái xe qua vùng ngập lụt, khi đã xác định được phần đường an toàn có thể đi, bác tài nên giữ đều ga và chọn số thấp. Nếu là số sàn nên đi số 1 - 2. Còn đối với xe số tự động hoặc bán tự động thì nên chuyển về số D1 hoặc chuyển về chế độ số tay rồi đi ở số 1 - 2.

Về số thấp, đều chân ga, giữ khoảng cách với những xe đi xung quanh sẽ giúp bác tài bảo vệ xe hữu hiệu. (Ảnh minh họa)

Giữ đều chân ga ở tốc độ 10 - 15km/h, không tăng tốc hay giảm tốc đột ngột để tránh nước tràn vào khoang động cơ từ phía trước và cả ống xả phía sau. Không rồ ga phóng qua đường ngập bởi nguy cơ nước có thể bị áp lực đẩy tràn lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích. Đặc biệt, tuyệt đối không dừng lại giữa vùng ngập nước.

Bật đèn cốt hoặc đèn sương mù

Nếu trời âm u, mưa lớn trong lúc di chuyển thì hãy bật đèn cốt hoặc đèn sương mù, điều này giúp quan sát đường tốt hơn đồng thời giúp các xe khác nhận biết đường di chuyển của xe bạn. Không bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì có thể làm mất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho cả 2 xe khi đang lưu thông trên đường

Bình tĩnh xử lý khi xe chết máy

Nếu xe bị chết máy khi đi qua vùng lụt, hãy nhanh chóng tắt máy, rút chìa khóa điện và gọi cứu hộ. (Ảnh minh họa)

Nếu xe bị chết máy khi đi qua vùng ngập lụt, lúc này bạn hãy nhanh chóng tắt máy, rút chìa khóa điện, đừng tìm cách nổ máy mà hãy cố gắng đẩy xe đến vị trí cao hơn và gọi cứu hộ nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó thì người lái nên ghi nhớ điểm ngập nước cao nhất để thuận tiện cho việc kiểm tra và vệ sinh phù hợp.

Tác giả: Thành Đô (tổng hợp)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP