Kinh tế

Kinh doanh lao dốc, công ty nhà Cường đô la quyết giải thể, rút vốn khỏi hàng loạt doanh nghiệp

Sau khi quyết định giảm, thoái mạnh vốn tại các doanh nghiệp như Bến Du Thuyền Đà Nẵng, Chánh Nghĩa Quốc Cường, Bất động sản Sông Mã, mới đây, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục công bố kế hoạch giải thể Bất động sản Hiệp Phát do công ty này hoạt động không hiệu quả.

Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) vừa công bố thông tin cho biết sẽ rút toàn bộ vốn tại công ty con giải thể do hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, QCG sẽ giải thể công ty con là Công ty CP Bất động sản Hiệp Phát có trụ sở tại số 26 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM do công ty này hoạt động không hiệu quả.

Theo dữ liệu trong báo cáo tài chính thì trước khi rút vốn, QCG sở hữu 90% vốn tại Công ty Bất động sản Hiệp Phát, tương ứng giá gốc đầu tư 134,3 tỷ đồng.

Trước đó, tại ngày 31/12/2018, QCG cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sông Mã. Qua đó, QCG còn nắm giữ 49,9% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại Công ty CP Bất động sản Sông Mã và khoản đầu tư này trở thành khoản đầu tư vào công ty liên kết.

Với sự thay đổi này, QCG hiện nắm giữ 74,45% quyền sở hữu và quyền biểu quyết trong Công ty CP Giai Việt, trong đó 50% quyền biểu quyết trực tiếp và 24,45% quyền biểu quyết gián tiếp thông qua Công ty CP Sông Mã.

Bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường đôla) đang "căng mình" điều hành công ty vượt qua khó khăn

Tập đoàn của bà Nguyễn Thị Như Loan trong thời gian vừa qua cũng đã thực hiện chủ trương giảm, thoái vốn tại một số đơn vị khác. Trung tuần tháng 1/2019, QCG đã giảm tỷ lệ góp vốn tại Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường từ 74,68% xuống còn 30,8%.

Đồng thời, HĐQT của QCG cũng quyết định giảm 195,3 tỷ đồng giá trị vốn góp tại Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng xuống còn 261 tỷ đồng, qua đó khiến tổng vốn điều lệ của Bến Du Thuyền Đà Nẵng sau khi giảm vốn còn 290 tỷ đồng.

Hồi cuối năm 2018, QCG từng vướng vào rắc rối về công bố thông tin khi bị báo chí “khui” ra hàng loạt “giao dịch bất thường”, cụ thể là 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng có tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 24/1/2013 đến 26/8/2017. Đích thân bà Nguyễn Thị Như Loan sau đó đã phải ra văn bản giải trình và công bố toàn bộ các nghị quyết của HĐQT có liên quan đến các giao dịch nói trên.

Bà Loan khi đó giải thích rằng, do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế và hiểu chưa đúng về nội dung, thời hạn công bố thông tin “nên không tránh khỏi thiếu sót”.

Tuy vậy, theo nữ lãnh đạo này, tất cả các kết quả giao dịch đều được thể hiện kịp thời và đầy đủ tại các kỳ báo cáo tài chính theo quý, năm và được đăng tải theo đúng quy định trên các kênh thông tin đại chúng đến với cổ đông.

Việc vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 155 và Quy chế niêm yết trên HSX đã khiến QCG phải “trả giá”, bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 1/2/2019.

Theo số liệu nêu tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của QCG, tính đến cuối năm 2018, tập đoàn này có 7 công ty con và 3 công ty liên kết, tổng số nhân viên là 211 người (tăng so với con số năm 2017 là 181 nhân viên).

Trong năm 2018, QCG chỉ đạt 732,2 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 85,5% của năm 2017, ghi nhận năm thứ 3 liên tục sụt giảm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 101 tỷ đồng, bằng 1/4 kết quả đạt được năm 2017 và lãi thuộc về công ty mẹ chưa tới 97 tỷ đồng, bằng 24% năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG hiện đã phục hồi trở lại sau chuỗi giao dịch không mấy thuận lợi trước đó. Mã này kết phiên 19/4 với mức tăng 210 đồng lên 5.500 đồng/cổ phiếu

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP